TN - Đất & Người

Hoài niệm Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu lắm rồi tôi mới có dịp về lại vùng đất mà cách đây gần nửa thế kỷ tôi đã sống. Đêm nằm trằn trọc mãi về nỗi nhớ một thời của ngày đầu tiên Kông Chro được chia tách từ huyện An Khê, trở thành cánh tay phải của vùng đất Đông Trường Sơn. Đó là một ngày của tháng 9-1988.

Hồi ấy, để có cơ sở vật chất cho “đứa con mới ra riêng” của tỉnh Gia Lai, huyện An Khê phải huy động các xã lân cận dựng lên những ngôi nhà bằng tre nứa, mái lợp, vách nhà kết bằng tranh và lá cọ rừng. Nhà được dựng san sát nhau trên trảng bằng gò đất rộng bên bờ sông Ba, cơ quan bên này nói chuyện cơ quan bên kia nghe tiếng. Bàn, ghế, tủ làm việc cho mỗi cơ quan có một ít đồ cũ chở từ An Khê (cách đó 28 km) vào, còn lại là làm tại chỗ, cũng bằng tre nứa.

 

Một góc thị trấn Kông Chro. Ảnh: A.S
Một góc thị trấn Kông Chro. Ảnh: A.S

Muốn vận chuyển hàng hóa hoặc đồ dùng từ huyện An Khê vào không dễ dàng, phải qua những đoạn đường đất, hai bên là rừng và cỏ, vượt nhiều trũng sình lầy, đồi dốc lởm chởm đá. Phương tiện vận chuyển chủ lực là xe tải phải có 2 cầu hoặc xe máy kéo MTZ. Cán bộ từ lãnh đạo đến công nhân viên được chia ra từ những phòng ban của huyện An Khê, được Nhà nước khuyến khích nâng lên một bậc lương nhưng có người lại không muốn đi. Hồi ấy ấn tượng nhất là dốc “Đẩy”, con dốc đá lởm chởm dựng đứng giữa ngã ba Ya Ma và trung tâm huyện. Những ai thồ hàng bằng xe đạp hoặc xe máy, đến chân dốc phải đứng lại chờ người sau phụ đẩy mới lên được.

Đường qua lại nối các làng Dơng, Bơ Yang phải đi sõng hoặc lội qua con ngầm của sông Ba, ngầm dùng cho xe ô tô qua lại, còn người chủ yếu là lội bộ, xe máy muốn qua là phải… khiêng! Vào mùa mưa, nước lớn chia cắt giao thông. Có người mẹ đi chợ chưa kịp về, thấy nước lũ cuồn cuộn nhưng cũng đành nhìn con bên kia bờ, con khóc, mẹ khóc theo.

Nguồn nước sinh hoạt chính của huyện mới Kông Chro là sông Ba, từ nước ăn, nước uống đến nước tắm giặt. Sau 5 năm mới xây dựng được nhà máy, nhưng cũng hút từ nguồn sông Ba xả về một phần cho cư dân thị trấn dùng, còn lại người dân xa đường ống xả nước thì hoàn toàn phải chở nước từ sông. Có giếng đào nhưng nước lẫn nhiều vôi không thể dùng được. Chiều lại, cán bộ, công nhân viên túa nhau xuống sông Ba để tắm, nam nữ tắm chung một bãi sông, giống như... các bãi biển ở Nha Trang.

Điện được phát bằng máy nổ từ 18 giờ 30 phút đến 20 giờ là tắt. Ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ. Cuối tuần, huyện còn lơ thơ vài người giữ... nhà cơ quan, còn lại về hết An Khê (đa phần cán bộ là người An Khê). Hàng hóa nhu yếu phẩm đều nhờ vào vài cái quán lụp xụp thiếu thốn, còn lại là các “chợ di động” chở bằng xe máy từ An Khê vào, tới 8 giờ sáng mới có. Các “chợ di động” này chủ yếu bán rau, cá, thịt tươi sống được phân thành từng túm, phải mua chứ không được chọn. Về sinh hoạt văn hóa thì phải 3 năm sau mới có đài phát sóng, phát lại hoạt động của tỉnh và cũng dừng lại khi điện tắt. Phim ảnh “đói” mờ mắt.

Riêng lĩnh vực y tế là hoành tráng hơn vì có sẵn Trạm Y tế Ya Ma, được xây dựng bên bờ sông Ba, có nhà xây, phòng ốc, từ thời Ban Cán sự 1980 về đây để họp cụm. Và có sẵn một chiếc xe cứu thương sẵn sàng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Những gian khó thời kỳ đầu là vậy, nhưng với nỗ lực của huyện và người dân cùng tinh thần vượt khó bám đất xây dựng thành làng, thành chợ, cư dân Kông Chro đông dần lên. Rồi thêm một bộ phận không nhỏ người dân đi kinh tế mới từ Hải Dương vào từ năm 1995 đến năm 2000.

Những vùng đất hoang hóa đầy cỏ đuôi chồn, rừng thưa đến nay đã thành những rẫy bắp vàng ươm, những rẫy mía trải dài tít tắp xanh mướt. Đường sá tráng nhựa phẳng phiu, đường bê tông nối liền khắp nẻo thôn làng, đi lại thông suốt cả 2 mùa mưa nắng. Tất cả các xã đều đã có trường Mầm non, Tiểu học, THCS và trạm y tế; điện lưới quốc gia thắp sáng, mạng thông tin-truyền thông đã đến khắp làng.

Cây cầu Yang Trung đã thay chỗ cho chiếc ngầm quanh năm lội bì bõm. Những ngôi nhà 2 bên đường mọc lên, hàng hóa đầy ắp, kẻ bán, người mua qua lại tấp nập không khác nào một dãy phố nhỏ cấp tỉnh. Những hoạt động cứ nhộn nhịp hẳn lên từng ngày. Giao thông nối liền từ thị trấn Kông Chro đến các thị xã Ayun Pa, An Khê nhờ con đường Trường Sơn Đông vắt qua, do vậy Kông Chro nay không còn là huyện lẻ mà là huyện có nội lực đi lên.

Hôm nay, huyện Kông Chro đã đi lên bằng chính nội lực của mình từ những tài nguyên và đất đai sẵn có mà thiên nhiên đã ban tặng. 30 năm chưa phải là dài nhưng cũng đã đánh dấu một chặng đường đầy gian nan để được như ngày hôm nay.

An Sinh

Có thể bạn quan tâm