Kinh tế

Hoàn thiện lưới điện nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh được đầu tư mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng bằng các nguồn vốn như: vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), nguồn ngân sách nhà nước, vốn đối ứng của EVN và một phần vốn nhân dân đóng góp.

Là một làng nghèo vùng sâu của xã Ia Le (huyện Chư Pưh), làng Phung đang có 35 hộ dân với 218 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Jrai. Địa hình hiểm trở với đồi núi bao quanh, con đường đất vào làng quanh co, gập ghềnh đồi dốc là nguyên nhân chủ yếu khiến từ bao lâu nay, người dân ở đây không có điện lưới sử dụng.

 

Điện lưới về với buôn làng. Ảnh: Hà Duy
Điện lưới về với buôn làng. Ảnh: Hà Duy

Đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân cũng như việc học tập của các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Cuối năm 2013, ánh sáng đã đến với làng Phung trong niềm vui sướng không thể tả hết của bà con khi công trình cấp điện cho làng được đóng điện đưa vào vận hành. Có điện, làng Phung đã đổi thay ngoạn mục cả về đời sống kinh tế lẫn tinh thần. Già làng Ksor Mui hồ hởi: “Tôi là già làng ở đây, năm nay cũng đã 75 mùa rẫy, gần hết cuộc đời tôi cũng chẳng dám mơ tới cái điện thắp sáng thế này, từ khi các chú vào cho dân làng cái điện, thích lắm”. Có điện, cộng với vốn được vay từ ngân hàng chính sách, người trong làng đã mua máy xát gạo, xay bắp cho bà con, không còn cảnh bà con phải giã gạo bằng cối chày. Một số hộ dân nhờ có điện, có thể bơm tưới nên đã mạnh dạn trồng cây hồ tiêu, cà phê,… nhờ đó kinh tế khá lên rất nhanh.

Làng Phung chỉ là một trong rất rất nhiều buôn làng trên địa bàn tỉnh đã “thay da đổi thịt” khi có lưới điện kéo về. Cuối những năm 90 của thế kỷ XX, số xã, phường, thị trấn được cấp điện từ lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh là 137/175 (chiếm 78,3%) với 299.648/307.566 hộ dân sử dụng điện (chiếm 56%). Tổng số trạm biến áp là 452 trạm với tổng dung lượng 61.096 kVA. Đến nay, tổng số xã, phường, thị trấn có lưới điện quốc gia là 222/222 (đạt 100%); 2508/2508 tổ, thôn, làng có điện (đạt 100%); 312.910/319.992 hộ dân có điện (đạt 97,8%). Tổng chiều dài đường dây trung thế 4.465 km; đường dây hạ áp có tổng chiều dài 4.181 km; tổng số trạm biến áp là 3.784 trạm phân phối với tổng dung lượng 591.371 kVA, cấp điện cho 351.806 khách hàng của tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia); doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm; sản lượng điện hàng năm tăng 15-17%.

Nguồn điện đã góp phần làm thay đổi cơ cấu cây trồng, quy mô canh tác, đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Có điện, người dân nông thôn đã được giải phóng sức lao động bằng việc đưa máy móc vào sản xuất, phục vụ đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhờ vậy, kinh tế-xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Bên cạnh việc đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện từ tỉnh xuống huyện, xã và các thôn làng, Công ty Điện lực Gia Lai còn chú trọng đầu tư các trang-thiết bị, phương tiện dụng cụ an toàn ngăn ngừa sự cố lưới điện, bảo hộ lao động. Công ty thường xuyên thực hiện việc kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện và xử lý các thiết bị hư hỏng, hạn chế sự cố, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Thời gian qua, nhiều dự án điện được thực hiện như: dự án cải tạo nâng cấp lưới điện TP. Pleiku; điện khí hóa xã Ya Ma và Biển Hồ (ADB) với vốn đầu tư 110,5 tỷ đồng; dự án năng lượng nông thôn (WB) 84,8 tỷ đồng; dự án cấp điện cho các thôn, làng tại Gia Lai 310 tỷ đồng; dự án nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh (vay vốn ADB) 228 tỷ đồng; dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh (vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức) 152 tỷ đồng. Từ nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty Điện lực Gia Lai đã cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện từ chỗ cũ nát, manh mún, rời rạc thành một lưới điện thống nhất, có độ tin cậy cao. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, Công ty Điện lực Gia Lai đã tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư 86 dự án.

Ông Măng Đoàn-Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết: “Trong thời gian đến, ngành Điện Gia Lai tiếp tục hoàn thiện và mở rộng lưới điện đến những vùng sâu, vùng xa qua các dự án cấp điện như: Dự án KFW2 (gồm: 86 km đường dây trung áp, 164 km đường dây hạ áp, 79 trạm biến áp), giá trị đầu tư 179 tỷ đồng hoàn thành năm 2016; dự án KFW3 với giá trị đầu tư 160 tỷ đồng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016; dự án thôn buôn giai đoạn II giá trị 962 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc cấp điện cho tỉnh Ratanakiri, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã giao Công ty Điện lực Gia Lai đầu tư trên 40 tỷ đồng cấp điện cho tỉnh Ratanakiri-Campuchia”.

Kim Linh

Có thể bạn quan tâm