LTS: Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã kiến nghị một số giải pháp cho những vấn đề cụ thể về hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng cán bộ, xây dựng con người, bảo vệ môi trường…
1. Bảo vệ và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện bởi con người là chủ thể của mọi sự phát triển.
Văn kiện phải nêu bật việc bảo vệ danh dự và phẩm giá mỗi con người; phải xây dựng con người biết yêu, biết ghét; hồn cốt người Việt là ghét cái ác, yêu cái thiện, tránh cái xấu và nâng niu cái đẹp. Trên cơ sở đó, cần phát huy sức sáng tạo của từng cá nhân; phát huy tính tự quản của cộng đồng, có thế mới đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Gìn giữ cuộc sống yên lành, bền vững của nhân dân và bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng mỗi công dân đều phải quán triệt. Bác Hồ dạy, bao nhiêu quyền lực đều thuộc về nhân dân, sự nghiệp cách mạng do nhân dân làm nên. Bao giờ nhân dân cũng là chủ thể của phát triển, vì vậy phải thật thà lắng nghe và luôn phấn đấu làm đúng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
2. Đội ngũ cán bộ phải luôn gương mẫu, đi đầu thực hiện cương lĩnh, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Cán bộ phải được huấn luyện, phải có trải nghiệm, xuất thân từ phong trào rồi trở lại phong trào quần chúng; hiểu và lo toan nỗi trăn trở và mong chờ của nhân dân. Không ít cán bộ bây giờ thường học lên cao, làm trên cao, rồi mới đưa về cơ sở, sự trui rèn không đủ độ chín, không thấu được lòng dân nên sinh ra quá nhiều chuyện không hay. “Chưa làm ông nghè đã đe hàng tổng”, chưa tường tận chân giá trị đích thực của người cán bộ - làm vai công bộc - nên không định vị được bản thân, không bồi đắp thêm, thậm chí làm mất dần đi tố chất người lãnh đạo. Cũng từ đó, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, trục lợi có đất sinh sôi nảy nở. Nhiều cán bộ cấp cao, cấp trung ương quản lý, vừa rồi sa ngã nhiều cũng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Do đó, xây dựng cán bộ cấp chiến lược phải rút ra bài học quý giá, chớ có “làm vua, làm chúa”.
3. Đường lối chính trị rõ là to lớn vì ảnh hưởng tới triệu triệu người dân.
Chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, song Việt Nam ta có vị thế ngày càng nâng cao trên trường thế giới. Đối ngoại và kinh tế phát triển càng củng cố vị thế của mình. Điều quan trọng bậc nhất hiện nay là bảo vệ nền tảng chính trị của Đảng. Thực hiện công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước một cách chủ động sáng tạo; mở rộng dân chủ, cải thiện dân sinh, ai cũng có cuộc sống an bình, cơm no áo ấm, không ai bị bỏ lại phía sau - đó là ý nghĩa sâu sắc trong thực tế của sự định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nền tảng chính trị - muốn được vững chắc, lâu dài, không có gì khác hơn là phải biết xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, sao cho Đảng luôn luôn là lực lượng tiên phong, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có đủ năng lực, quản lý điều hành có hiệu lực và hiệu quả, có nền tư pháp được nhân dân tin cậy. Đồng thời, mở rộng tính chất liên minh chính trị của mặt trận dân tộc thống nhất; các đoàn thể, các hội quần chúng không bị hạn chế phương thức tập hợp và hoạt động; đa dạng hóa và phong phú hóa sinh hoạt cộng đồng. Hội đoàn thực sự là mái ấm, chia sẻ, bảo vệ quyền con người và tự do sáng tạo của mỗi cá nhân.
4. Mục tiêu đến năm 2025, không nên nói chung chung, chúng ta cần mạnh dạn nói rằng, một số ngành đến năm 2025 sẽ đạt trình độ hiện đại như y tế, công nghệ thông tin, du lịch… Mục tiêu “đến năm 2030 là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”; “đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” là có tính khả thi.
Nhiệm kỳ tới, cần tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó tiếp tục hoàn thiện về thể chế là quan trọng nhất, là bước đi mở đường. Cần sớm sửa đổi, bổ sung chính sách đất đai, tuân thủ quy luật thị trường về đất đai. Về đột phá nguồn nhân lực, cần có chính sách đầu tư đào tạo tài năng trẻ, tín dụng cho sinh viên học tập; vay vốn khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ du học; hỗ trợ gia đình trẻ lập nghiệp; phát triển nhanh hệ tri thức Việt số hóa - thỏa mãn nhu cầu khai thác nguồn dữ liệu lớn của quốc gia, phục vụ cho phát triển, nhất là đón đầu sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu đang và sẽ diễn ra.
Khát vọng về một đất nước hùng cường thịnh vượng trong tương lai gần là có tính khả thi, việc mở rộng và phát huy dân chủ sẽ cho chúng ta thấy từng bước đi đổi mới có hiệu quả, bởi sự nghiệp đó là sự nghiệp của quần chúng nhân dân.
5. Biến đổi khí hậu là hiện tượng tự nhiên, khách quan. Tuy nhiên, thường bị coi đó là cái cớ nhằm trốn tránh hành vi chủ quan của con người.
Nhìn vào những vụ việc nước biển dâng, xâm nhập mặn nhiều vùng ở Nam bộ, lũ quét miền núi phía Bắc, bão lũ miền Trung…, ta phải thẳng thắn với nhau rằng, phần lớn tác nhân do con người gây ra. Phá rừng mấy chục năm qua là sự thật.
Rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) bị chặt phá phục vụ việc xây dựng Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Ảnh: VĂN THẮNG |
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói, hiện Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, đạt mức che phủ 42%. Nhưng tôi thưa rằng, rừng trồng vốn có tác dụng hạn chế; trong khi bao nhiêu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ đã bị hủy diệt, thì làm sao giữ được nước, tránh được sạt lở? Lệnh “cấm cửa rừng” không thành công, lại bị hàng loạt dự án thủy điện (429 đập thủy điện) mở đường lấy gỗ, làm giàu vì gỗ hơn là giàu vì điện. Những túi nước khổng lồ theo mưa lũ gây ra tai họa qua những trận “đại hồng thủy”, nhưng chưa quy được trách nhiệm cho ai.
Nếu chúng ta sớm có một chiến lược cho năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí thì sẽ không dựng lên cái bản đồ thủy điện “bành trướng” khắp núi rừng. Cần thức tỉnh sớm về vấn đề thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ mà vừa qua Quốc hội đã tranh luận rất gay gắt.
VŨ TRỌNG KIM
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
(Dẫn nguồn SGGPO)