(GLO)- Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong quý I-2014, hoạt động của một số ngành kinh tế chủ yếu trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước khởi đầu thuận lợi. Ở lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2014 và Kế hoạch số 100/KH-GLA của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh.
Ảnh: Đức Thụy |
Phía Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các biện pháp quản lý hoạt động ngân hàng trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý, chấp hành nghiêm túc mức lãi suất huy động tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phối hợp với các sở, ban ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh bàn các biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, không để các dự án có hiệu quả tốt bị thiếu vốn đầu tư, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tính đến cuối quý I-2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 19.487 tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng kỳ năm trước và tăng 5,2% so cuối năm 2013. Tổng dư nợ cho vay đạt 36.038 tỷ đồng, tăng 21,8% so cùng kỳ năm trước nhưng giảm 1,8% so với cuối năm 2013. Nguyên nhân do trong quý các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương như cà phê, tiêu tăng giá mạnh nên nông dân bán sản phẩm để trả nợ vay, đồng thời có tiền gửi ngân hàng. Chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát, đảm bảo an toàn cho hệ thống khi nợ xấu là 296 tỷ đồng, chiếm 0,82% tổng dư nợ và giảm 0,11% so cùng kỳ năm trước.
Ảnh: Sơn Ca |
Theo phân tích của ngành Ngân hàng tỉnh, hiện nay lãi suất huy động VND được áp dụng phổ biến ở mức 5-6%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 7-8% đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên; lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 10%/năm; cho vay trung-dài hạn phổ biến ở mức 11-12,5%/năm. Lãi suất cho vay các chương trình ưu tiên như xuất khẩu chỉ từ 7% đến 8%/năm. Dư nợ lãi suất từ 13% trở xuống chiếm đến 93,3% tổng dư nợ (trong đó dư nợ lãi suất dưới 9% chiếm 16%, dư nợ lãi suất từ 9% đến 11% chiếm 37,4%, dư nợ lãi suất từ 11% đến 13% chiếm 39,9%); dư nợ lãi suất trên 13% chỉ còn chiếm tỷ trọng 6,7% tổng dư nợ. So với thời điểm nền kinh tế rơi vào giai đoạn khủng hoảng vài năm trước, mặt bằng lãi suất hiện nay đang bằng hoặc thấp hơn, cũng là dấu hiệu khả quan trong giai đoạn phục hồi tăng trưởng kinh tế. Song song với hoạt động tín dụng, ngành Ngân hàng tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, đã cơ cấu lại nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho 84 doanh nghiệp, với dư nợ 1.797 tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 535 tỷ đồng, gia hạn nợ 1.262 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng đã cho vay mới đối với các nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên cho 17.189 khách hàng (trong đó có 357 doanh nghiệp) với dư nợ 4.011 tỷ đồng; đã triển khai 48 gói sản phẩm lãi suất ưu đãi cho 1.167 khách hàng (trong đó có 178 doanh nghiệp) với doanh số cho vay là 2.939 tỷ đồng (trong đó doanh nghiệp là 2.624 tỷ đồng). Đối với dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 17.989 tỷ đồng, chiếm 50% tổng dư nợ, tăng 1,4% so đầu năm. Riêng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đến cuối quý I tổng dư nợ đạt 2.601 tỷ đồng, tăng 0,3% so cuối năm 2013. Dư nợ tập trung chủ yếu vào các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo và các chương trình tín dụng khác...
Sơn Ca