TN - Đất & Người

Học Bác từ những điều giản dị

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Gần 20 năm gắn bó với nghề dạy học, hơn 4 năm làm công tác quản lý, song dù ở cương vị nào, cô giáo Bùi Thị Minh Nguyệt-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro) cũng nỗ lực hết mình cho sự nghiệp “trồng người”. Với chị, học Bác phải bắt đầu từ những điều giản dị nhất.

Chị Nguyệt sinh năm 1976 tại mảnh đất Kim Bảng-Hà Nam xa xôi. Năm 1997, chị tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam hệ trung học rồi giảng dạy hợp đồng ở một trường học gần nhà. Tháng 9-1999, chị Nguyệt quyết định rời quê hương vào cao nguyên Gia Lai đầy nắng gió để thi viên chức. Trúng tuyển, chị được phân công về đứng lớp tại 2 điểm làng thuộc một trường tiểu học ở xã Sró (huyện Kông Chro). Dù gặp không ít khó khăn về điều kiện lẫn môi trường giảng dạy, thêm vào đó là sự bất đồng ngôn ngữ với đồng bào Bahnar ở đây, thế nhưng cô giáo trẻ này luôn tìm cách “gỡ rối” để có thể gần gũi với học sinh và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với cô giáo Nguyệt, học Bác phải bắt đầu từ những điều giản dị nhất. Ảnh: Hồng Thi
Với cô giáo Nguyệt, học Bác phải bắt đầu từ những điều giản dị nhất. Ảnh: Mộc Trà

Những ngày mưa bão, hai ngôi làng chị đảm trách đều bị chia cắt với khu vực trung tâm. Không để học trò của mình phải dỡ dang con chữ, cô giáo Nguyệt tình nguyện ở lại làng và ngày ngày lên lớp với học sinh. “Lúc ấy tôi được bà con dựng cho một căn chòi tạm bằng tranh tre để ở và giúp đỡ tôi hết mình. Mỗi khi tôi phải lên trường chính để họp, mọi người lại hỗ trợ tôi qua sông an toàn. Tôi cảm thấy trân quý và ấm lòng trước tình cảm mà dân làng và các em dành cho mình”-chị Nguyệt nhớ lại.

Tháng 9-2001, chị chuyển tới giảng dạy ở Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (xã Yang Trung, huyện Kông Chro). Khi xã này chia tách, chị lại được phân công về công tác tại Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Đak Pơ Pho) cho đến giờ. Bằng sự nhiệt huyết và năng lực nghề giáo, sau khi hoàn thành xong chương trình Đại học sư phạm, đầu năm 2013, chị Nguyệt được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm giữ chức Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Chị chia sẻ: “Dù công tác ở điều kiện nào, vị trí ra sao thì tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, cái tâm với nghề là quan trọng nhất. Bản thân phải làm đúng trọng trách, nhiệm vụ, có trách nhiệm với học sinh và nhà trường”.

Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám nằm ở xã vùng 3-nơi đời sống nhân dân còn vô cùng khó khăn. Đa số học sinh của trường là người Bahnar, trình độ có phần hạn chế. Là một người làm công tác quản lý, bản thân chị Nguyệt luôn trăn trở về các giải pháp để cùng với Ban Giám hiệu Nhà trường và chính quyền địa phương hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục các em.

Dù hiện nay, việc trực tiếp đứng lớp giảng dạy không còn thường xuyên, nhưng mỗi khi lên lớp, bên cạnh chuyển tải kiến thức, cô giáo Nguyệt luôn tạo cho học sinh cảm giác thân thiện và gần gũi bằng những việc làm hết sức đơn giản như: buộc tóc, chải tóc, cắt móng tay, móng chân… cho các em; nhờ đó, giúp học trò bớt nhút nhát và tự tin giao tiếp với thầy cô hơn, cải thiện kết quả học tập. Cũng theo chị, năm học 2015-2016, Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám có 95% học sinh bậc tiểu học hoàn thành môn học; tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 100%; học sinh khá, giỏi cấp THCS chiếm 12%.

Cô Nguyệt được tuyên dương vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác. Ảnh: Mộc Trà
Cô Nguyệt (áo tím) được Huyện ủy Kông Chro tuyên dương vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác. Ảnh: Mộc Trà

Trong những năm qua, chị Nguyệt đã cùng với tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Nhà trường triển khai và thực hiện tốt việc học tập và làm theo gương Bác, bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, chẳng hạn: chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc; mẫu mực trong hành vi, lối sống; giữ vững phẩm chất đạo đức nghề giáo, hết mình vì học sinh; hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra trong từng năm học; phát động và thực hiện hiệu quả phong trào “Kế hoạch nhỏ” cho học sinh. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào lớn của ngành như: “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…

Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, người phụ nữ này còn quan tâm chăm lo xây dựng tổ ấm, nuôi dạy con cái nên người. Hiện 2 người con gái của chị đều chăm ngoan, học giỏi và là niềm tự hào của cả gia đình. Với những nỗ lực đáng ghi nhận ấy, vừa qua, chị vinh dự là một trong 7 cá nhân xuất sắc tiêu biểu trong việc học tập và làm theo gương Bác được Huyện ủy Kông Chro tuyên dương.

Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm