Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Học kỳ trong quân đội năm 2017: Trải nghiệm để trưởng thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rèn tính kỷ luật trong môi trường quân đội, tập ngắm bắn và tháo lắp súng tiểu liên AK, học những động tác võ tay không, tự tay viết thư gửi về cho gia đình, tăng gia sản xuất... là những trải nghiệm thú vị của 73 “chiến sĩ nhí” trong 10 ngày tham gia chương trình Học kỳ trong quân đội với chủ đề “Tôi là chiến sĩ” tại Trung đoàn Bộ binh 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).

Học làm chiến sĩ

Tham gia chương trình Học kỳ trong quân đội tại Trung đoàn Bộ binh 991, 73 “chiến sĩ nhí” phải tuân thủ một cách chặt chẽ từ giờ học tập, rèn luyện đến giờ ăn, giờ ngủ. 73 “chiến sĩ nhí” được phân thành 6  tiểu đội và sinh hoạt cùng nhau.

 
Các chiến sĩ nhí tham gia học tập các nội dung huấn luyện của quân đội. Ảnh: P.L

Đúng 5 giờ sáng, tiếng kẻng hiệu lệnh trong doanh trại vang lên báo hiệu một ngày mới của những “tân binh” bắt đầu.  Những “cậu ấm, cô chiêu” phải tự giác dậy xếp chăn màn ngay ngắn, đúng vị trí, nhanh chóng vệ sinh cá nhân và ra sân tập thể dục. Tất cả chỉ được thực hiện trong khoảng 30 phút. Với việc tuân thủ quy tắc nghiêm chỉnh, các “chiến sĩ” sẽ rèn được tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao trong học tập và rèn luyện.

Những buổi huấn luyện điều lệnh, các tư thế vận động trên chiến trường, những động tác võ tay không, cách mắc võng, cách thực hiện và sử dụng bếp Hoàng Cầm, cách tháo lắp súng tiểu liên AK… diễn ra dưới tiết trời nắng nóng nhưng vẫn không làm giảm đi sự háo hức, hăng say tập luyện và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của các “chiến sĩ nhí”. Da sạm đen sau 10 ngày “huấn luyện”, em Lê Thị Ngọc Linh (lớp 7, Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tham gia chương trình Học kỳ trong quân đội, em mới có điều kiện tìm hiểu về cuộc sống của các chiến sĩ. Tại đây, em học được tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao, em cũng thấy mình trưởng thành hơn”.

Những kỹ năng sống bổ ích

Thời gian biểu một ngày của chương trình Học kỳ trong quân đội bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào lúc 21 giờ 30 phút. Thời gian, chương trình, địa điểm đều được các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 991 và các điều phối viên lên lịch một cách chi tiết, tỉ mỉ, đảm bảo các hoạt động diễn ra đúng kế hoạch. Các em phải tự giặt giũ, sắp xếp tư trang gọn gàng, để đúng vị trí quy định, tự rửa bát sau mỗi bữa ăn.

Bên cạnh nội dung huấn luyện quân sự, các em còn được hòa mình vào những hoạt động giao lưu văn nghệ, nhảy dân vũ, nhảy flashmob, chơi trò chơi, tham gia nhiều hoạt động kỹ năng như: kỹ năng sinh tồn-thích nghi, kỹ năng giao tiếp tuổi teen, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp ứng phó với người lạ… Từ những bài học đó, các em trở thành một người biết cách sống tự lập, biết thích nghi, đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Tuy phải chấp hành đúng nội quy, chương trình huấn luyện, lịch trình kín mít với nhiều hoạt động, thế nhưng trên gương mặt các “chiến sĩ nhí” luôn rạng ngời niềm vui khi nhắc đến những kỷ niệm khi tham gia chương trình. Đó có thể là những lời xin lỗi bố mẹ, xin lỗi bạn bè, thẳng thắn nói ra những lỗi lầm mà mình từng mắc phải. “Em từng nói dối bố mẹ khi đi chơi về muộn, cũng nhiều lần khiến bố mẹ bực mình. Em đã viết thư gửi bố mẹ để xin lỗi và hứa sẽ chăm ngoan, tự giác làm những việc mình có thể làm được để phụ giúp bố mẹ”-em Trần Lê Nhất Thống (14 tuổi, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) tâm sự.

Cảm xúc ngày chia tay

 

Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn trao giấy chứng nhận cho các học viên. Ảnh: P.L

Khóa học tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng các em đã gắn bó, đoàn kết với nhau, biết quý trọng tình bạn, sống tình cảm hơn. Các em chia tay cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 991 bằng những cái ôm bịn rịn, những giọt nước mắt xúc động và những món quà do các em tự làm. Tranh thủ trước buổi tổng kết, các em cũng đã xin chữ ký của các bạn để làm kỷ niệm và xin địa chỉ nhà, facebook, số điện thoại của nhau để thường xuyên liên lạc.

Nhìn các con tình cảm, ôm lấy nhau trước giờ chia tay, phụ huynh cũng cảm thấy xúc động và hạnh phúc. Bà Phan Thị Bích Huệ-mẹ em Nguyễn Công Danh, chia sẻ: “Đón con sau 10 ngày rèn luyện, tôi thấy cháu cứng cỏi hơn, mạnh dạn hơn. Khi cho cháu tham gia, tôi cũng khá lo lắng vì ở nhà cháu ít phụ mẹ việc nhà, nhưng vào môi trường quân đội, cháu phải làm tất cả mọi thứ. Tất cả các hoạt động trong suốt 10 ngày đều được Ban tổ chức đăng tải hàng ngày trên website của Tỉnh Đoàn nên chúng tôi tiện theo dõi và yên tâm hơn về chương trình. Cảm ơn Ban tổ chức đã tạo một môi trường rèn luyện bổ ích”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm