Giáo dục

Học phí đại học cao, tăng thường xuyên: Kéo rộng bất bình đẳng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Học phí chỉ là một trong các nguồn thu phục vụ đào tạo. Nhưng hiện nay, khi học phí là nguồn thu chủ đạo của các trường, gánh nặng này đang chuyển từ Nhà nước sang người dân.

Mặc định tự chủ là tự túc

Hiện nay, các trường ĐH công lập, chi phí đào tạo đến từ các nguồn như: ngân sách Nhà nước, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... và học phí. Như vậy, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo. Nhưng hiện nay, học phí chiếm tới 70-90% nguồn thu của các trường. Trong báo cáo “Giáo dục để tăng trưởng” của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 8/2022, đội ngũ chuyên gia WB cho rằng, hiện nguồn ngân sách Nhà nước Việt Nam chi cho giáo dục ĐH chỉ đạt từ 4,33-4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Sinh viên nhập học năm 2024. Ảnh: Nghiêm Huê

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, chia sẻ, trong các điều kiện để được tự chủ, và trong nội hàm của tự chủ về tài chính, không chỗ nào trong Luật Giáo dục ĐH 2018 yêu cầu quyền tự chủ của trường ĐH lại phải gắn với việc tự túc không hưởng tiền từ ngân sách. Nhưng thực tế khi thực hiện luật này thì lại đang áp dụng tự chủ gắn với tự túc, không hưởng ngân sách với các trường công. Việc này có 2 lí do khách quan. Thứ nhất là khi thử nghiệm tự chủ từ năm 2017, đều chọn các trường tham gia là các trường ĐH đang hoạt động tốt nhất, dư sức cân đối thu chi, trong khi lẽ ra thử nghiệm tự chủ phải chọn mẫu cả trường tốt, trường trung bình và trường yếu kém để xem ảnh hưởng của tự chủ với sự phát triển của các trường như thế nào trước khi áp dụng đại trà. Do chọn mẫu không chuẩn nên tạo mô hình mặc định tự chủ là tự túc như hiện nay. Lí do thứ hai là nhầm lẫn giữa “tự chủ cơ sở giáo dục ĐH” với “tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập” áp dụng cho các cơ quan sự nghiệp nói chung. Với các đơn vị sự nghiệp, quy định của Nhà nước là mức độ tự chủ gắn với mức độ tự túc tài chính. Do đó, ông Tùng đề xuất, khi Bộ GD&ĐT sửa Luật Giáo dục ĐH cần làm rõ điều này, tự chủ cơ sở giáo dục ĐH không phải là tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.

Để học phí không thành gánh nặng

“Học phí cao không sai. Học phí phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Cái thiếu ở đây là cơ chế hỗ trợ người học từ Nhà nước”.

Ông Phạm Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức REK, Trường ĐH Thành Đô

TS Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức REK, Trường ĐH Thành Đô, cho rằng, bàn đến vấn đề học phí phải xét trên hai khía cạnh. Thứ nhất, học phí phải đủ để đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo tính toán, mức học phí hợp lí để đảm bảo đào tạo là khoảng 100-120% GDP bình quân. Áp dụng tại Việt Nam, học phí khoảng 50-80 triệu đồng/năm/sinh viên. Mức học phí này tương đương với học phí chương trình chất lượng cao hoặc các trường ĐH tự chủ. Thứ hai là cơ hội đi học của người dân. Con số trên đưa ra dựa trên tính toán trung bình, nhưng còn lượng lớn người dân ở nông thôn, miền núi đang sống rất khó khăn. Ông Hiệp phân tích, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn vốn đã gặp khó khăn trong tiếp cận các kì thi riêng để tăng cơ hội vào các trường ĐH top đầu, khi trúng tuyển, học phí là rào cản thứ 2 trong tiếp cận giáo dục ĐH. Hiện một số trường ĐH trích phần trăm học phí để trao học bổng. “Nhưng bài toán này không hợp lí. Vì lấy tiền của phụ huynh này để trao cho con của phụ huynh khác đi học”, ông Hiệp nói. Ông khẳng định, đây không phải là giải pháp căn cơ . Theo ông Hiệp, giải pháp lâu dài và hợp lí nhất là Nhà nước đầu tư. Với các trường ĐH tự chủ, Nhà nước cắt chi thường xuyên thì phải chuyển ngân sách đó thành học bổng cho sinh viên khó khăn. Mức học bổng phải đủ lớn. Bên cạnh đó phải tăng mức cho vay. Ông Hiệp tính toán, trung bình gia đình ngoại tỉnh đầu tư từ 10 triệu đồng/tháng cho con em học ĐH ở Hà Nội hoặc TPHCM. Mức cho vay hiện nay 4 triệu đồng/tháng/sinh viên là chưa đủ chi trả tiền ăn, ở.

Ông Hiệp đánh giá, vấn đề học phí hiện nay sẽ có tác động trong thời gian 15 - 20 năm sau nếu không có chính sách phù hợp. Vấn đề không phải là chất lượng trong giáo dục ĐH mà là bất bình đẳng, chênh lệch giữa các ngành nghề. Trong khi học phí tăng, mức cho vay đối với sinh viên còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các em. Việc tăng học phí cũng cần cân nhắc một số yếu tố bởi nếu mức học phí cao sẽ gây cản trở mức độ tiếp cận giáo dục ĐH của nhóm thí sinh có điều kiện kinh tế hạn chế. Thêm nữa, với mức học phí cao, cha mẹ và học sinh thấy đây giống một khoản đầu tư cho tương lai nên việc lựa chọn ngành, lĩnh vực nào ra trường dễ xin việc, có thu nhập cao là điều người học hướng tới. Điều đó dẫn đến hệ lụy là một số ngành cần thiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững nhưng học phí cao như khoa học cơ bản rất khó tuyển thí sinh.

“Học phí cao không sai. Học phí phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Cái thiếu ở đây là cơ chế hỗ trợ người học từ Nhà nước”, ông Hiệp nói. Ông ví dụ, điển hình cho tự chủ ĐH ở phía Bắc là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương. Họ phải thu học phí như thế mới trả lương cho giảng viên thạc sĩ là 20-25 triệu đồng/tháng để làm việc 40 tiếng/tuần tại trường. Khác với trường chưa tự chủ, giảng viên chỉ làm việc 2-3 buổi/tuần và lương 6-7 triệu đồng/tháng, là giảng viên cơ hữu nhưng làm việc bán thời gian. Chỉ khi thu nhập của giảng viên đủ sống mới đảm bảo yên tâm làm việc, không có chuyện úi xùi trong chuyên môn. Nhưng ngược lại, chương trình hỗ trợ của Nhà nước ở đâu khi các trường tự chủ? Đến nay, các trường tự chủ không có ngân sách chi thường xuyên, các khẩu hiệu đầu tư trọng điểm cũng chưa thấy nên học phí trở thành gánh nặng cho phụ huynh và sinh viên.

Từ các phân tích trên, ông Hiệp đề xuất Nhà nước thực hiện đúng vai trò quản lí nhà nước và có chính sách cụ thể hỗ trợ người học. Nếu không có sự vào cuộc của ngân sách, ông Hiệp dự báo khoảng cách bất bình đẳng trong giáo dục ĐH sẽ ngày càng rộng bắt đầu từ học phí.

Theo NGHIÊM HUÊ (TPO)

Có thể bạn quan tâm