Ia Pa nổi tiếng là đất khó, cuộc sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác khuyến học lại rất được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều dòng họ là người dân tộc thiểu số được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập” như: dòng họ Ksor (xã Ia Trốk); dòng họ Siu (xã Ia Mrơn); dòng họ Nay (xã Ia Broắi)…
Ông Ksor Choen-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Trốk tự hào là một người thuộc dòng họ Ksor hiếu học. Từ nền tảng này, với vai trò được tín nhiệm nhiều năm qua, ông đã không ngừng nỗ lực cho công tác khuyến học.
Ông chia sẻ: “Khó khăn thì rất nhiều như: chuyển biến nhận thức trong một bộ phận người dân về xây dựng xã hội học tập còn chậm; hoạt động của các chi hội khuyến học còn khó khăn, nhất là kinh phí hoạt động và hầu như là kiêm nhiệm. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Hội Khuyến học huyện và lãnh đạo xã và sự đồng tình hưởng ứng của người dân, công tác khuyến học có những bước phát triển đáng ghi nhận”.
Thêm vào đó, bản thân ông Choen cũng có những cách tuyên truyền hiệu quả, gần gũi. Ông khẳng định: Muốn xây dựng xã hội học tập nhất thiết phải vận động học sinh ra lớp đúng độ tuổi, từ đó mới nói đến chuyện tạo nguồn cho xã hội trong tương lai. Vì vậy, việc này rất được ông quan tâm.
“Bà con chủ yếu là dân lao động, vì vậy phải tuyên truyền sao cho dễ hiểu và tranh thủ tuyên truyền bất cứ đâu. Ví dụ: Khi uống rượu với bà con, tôi hỏi thăm sức khỏe trước, sau đó hỏi chuyện học hành của con cái. Hoặc khi thăm ruộng, gặp bà con, ngoài hỏi han về phát triển kinh tế gia đình, tôi cũng hỏi thêm việc học của con em trong gia đình. Thấy trường hợp nào có nguy cơ bỏ học là tôi tư vấn ngay. Phải có bí quyết đấy!”-ông Choen nói vui.
Ông cho biết thêm: Thành lập từ năm 2007, đến nay, Hội Khuyến học xã Ia Trốk có tổng số 1.852 hội viên, chiếm 18,2% dân số toàn xã. Trong 5 năm qua, Hội và 14 chi hội khuyến học đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội về xây dựng xã hội học tập. Cùng với đó, vận động 1.012 hộ đăng ký “Gia đình học tập” (tăng 700 hộ so với 5 năm trước); 7 dòng họ đăng ký “Dòng họ học tập” (tăng 2 dòng họ); 5 chi hội thôn đăng ký “Cộng đồng học tập”; 5 chi hội cơ quan đăng ký “Đơn vị học tập”.
Công tác vận động xã hội hóa giáo dục cũng được chú trọng, thu hút sự tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Theo đó, các cháu được tặng sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp… Một số trường trong xã còn được cấp máy tính để bàn, ti vi… phục vụ học tập, giải trí.
“Hoạt động xã hội hóa giáo dục đã góp phần rất lớn trong việc giúp các em học sinh nghèo vượt khó, qua đó thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài”-Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ia Trốk nhận định.
Huyện Kbang cũng là địa phương khó khăn của tỉnh nhưng lại luôn dẫn đầu trong công tác này. Bà Vương Thị Hội-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện-cho biết: Nhờ làm tốt công tác tham mưu nên kết quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có bước tiến vượt bậc. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động quỹ được trên 600 triệu đồng tiền mặt, trên 600 triệu đồng quy từ hiện vật.
Vào đầu mỗi năm học, Hội Khuyến học huyện phối hợp với các phòng, ban tham mưu, đề xuất UBND huyện trích quỹ khen thưởng tập trung của huyện và Quỹ Khuyến học huyện trên 100 triệu đồng để tổ chức lễ tuyên dương thầy-cô giáo, các em học sinh có thành tích học tập xuất sắc hoặc những em thi đại học đạt điểm cao…
“Nhờ có sự quan tâm động viên, khuyến khích kịp thời của các cấp ủy, chính quyền mà thành tích dạy và học của một huyện vùng sâu như Kbang luôn xếp tốp đầu của ngành Giáo dục tỉnh”-bà Hội khẳng định.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Kbang thông tin: Đến nay, toàn huyện có 170 chi hội khuyến học và 5 ban khuyến học (100% xã, thị trấn và cơ sở giáo dục có tổ chức hội khuyến học) với 16.502 hội viên, đạt 24,5% tổng dân số toàn huyện. Tổng cộng có 11.560 gia đình, 22 dòng họ, 113 cộng đồng, 57 đơn vị được công nhận là gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng, đơn vị học tập.
Với những nỗ lực trên, tại Đại hội đại biểu Hội Khuyến học tỉnh khóa V (nhiệm kỳ 2024-2029), bà Hội là 1 trong 7 cá nhân được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen. Ông Choen cũng là 1 trong 15 cá nhân được Hội Khuyến học tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội nhiệm kỳ 2019-2024.