(GLO)- Năm 2010, tôi được điều động về công tác tại xã Ia Tul (huyện Ia Pa). Lúc ấy, Ia Tul nghèo lắm, đa số người dân học vấn còn thấp, cuộc sống chủ yếu bám rừng và rẫy, việc đi lại vô cùng khó khăn. Ấy vậy mà Ia Tul lại để lại trong tôi những tình cảm rất đẹp ngay từ khi bước chân vào nghề giáo.
Đầu tháng 9-2010, khi xuống Phòng Giáo dục và Đào tạo nhận quyết định đi dạy, tôi ngỡ ngàng không biết Ia Tul ở đâu. Vừa lúc đó gặp thầy Cường cũng nhận quyết định về dạy Vật lý ở Ia Tul hồ hởi cầm quyết định đi đến: “Thăng ơi! Tôi được điều về I...a....tu....lờ... Là ở đâu hở ông?”.
Một góc xã Ia Tul (huyện Ia Pa). Ảnh: internet |
Chúng tôi (4 giáo viên trẻ được điều về thay cho giáo viên cũ vừa chuyển đi) đến Ia Tul thì được xã cho mượn tạm ngôi nhà để ở trong lúc chờ xây phòng tập thể. Cuộc sống đầy thiếu thốn và khi bắt tay vào việc tôi mới thấy hết khó khăn của một giáo viên vùng sâu. Mưa ngập trời, nhiều khi đò không chở, giáo viên bên thị trấn không sang được, học trò cũng không đi học. Đêm đến, trường chìm trong bóng tối dưới làn mưa trắng trời. Nhiều thầy cô chán nản bỏ dạy giữa chừng. Ban Giám hiệu nhà trường luôn động viên: “Các thầy về đây cố gắng vận động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số cho tốt. Các em ở đây hay nghỉ học lắm, mưa cũng nghỉ, nắng vào mùa cũng nghỉ, duy trì được sĩ số là điều quan trọng nhất”.
Năm đó, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 8, sĩ số lớp có 20 em nhưng những ngày đầu đến lớp được khoảng 17-18 em/buổi. Để vận động các em ra lớp đầy đủ, giáo viên không còn cách nào khác là phải tìm hiểu hoàn cảnh từng em, thường xuyên đến gia đình các em hoặc phải lên rẫy, gặp đâu vận động đó, kể cả phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa. Nhờ đó mà các em yêu trường, mến lớp hơn. Năm ấy, lớp tôi chủ nhiệm không những duy trì được sĩ số đầu năm mà còn tăng thêm 4 học sinh.
Nhiều học sinh của tôi từ lớp học khốn khó ấy đã thành những nhà giáo, bác sĩ, bộ đội phục vụ cho chính địa phương mình. Trong số đó, Ksor H’Binh là học sinh để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Cô bé là học trò giỏi, ngoan, hiền, viết chữ đẹp và chăm chỉ nhưng đến lớp đôi mắt lúc nào cũng ướt sũng vì buồn, học tập bắt đầu đi xuống, nhiều khi còn bỏ học. Thời điểm đó, gia đình em có chuyện buồn. Một mình mẹ em phải nuôi 4 chị em ăn học. Cô bé sáng đi học, chiều về chăn bò, nhiều khi nghỉ thình lình vì ốm hay vì nguyên nhân nào khác mà tôi chưa biết.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện năm ấy, em được nhiều thầy cô chọn ôn thi môn của mình. Em không chọn môn nào cả, cuối cùng tôi động viên mãi em mới chọn thi môn Ngữ văn do tôi dạy, nhưng em cũng chẳng đi ôn thi vì bận chăn bò. Mặc cho gia đình và nhà truờng vận động thế nào, em vẫn không đi ôn và đôi khi vẫn nghỉ học. Thành thực mà nói, với đứa trẻ đang học lớp 8 có hoàn cảnh như em thì khó tập trung vào việc học là điều có thể hiểu được. Vậy làm sao để em vẫn yên tâm đi học, vẫn ôn thi? Cuối cùng, tôi chọn cách đến nhà ôn cho em, nhưng cũng khó gặp do em hoặc bỏ trốn hoặc đi chăn bò. Thế là, trên cánh đồng Ia Tul năm ấy có hình ảnh rất đẹp: Hai thầy trò nhà nọ vừa chăn bò vừa ôn thi, trò dẫn bò đi trước, thầy “lẽo đẽo” cắp sách đi sau. Kết quả, năm ấy Ksor H’Binh đạt giải khuyến khích môn Ngữ văn! Đó là kết quả hết sức bất ngờ vì đoàn chúng tôi đi chủ yếu là cho các em làm quen và cọ xát. Giải khuyến khích đó là giải duy nhất của đoàn, cũng là giải cấp huyện đầu tiên của trường, vinh dự thay lại rơi vào cô bé nửa muốn học, nửa muốn không!
Từ lớp học ấy, học sinh giờ đã trưởng thành cả. Cuộc sống của người dân xã Ia Tul đã khá hơn. Cô học trò tội nghiệp Ksor H’Binh giờ đã là giáo viên THPT dạy môn Ngữ văn. Gặp lại thầy cũ, em thành thật: “Thầy ơi! Ngày đó không ngờ được giải thầy nhỉ? Em đã yêu môn Ngữ văn từ đó và phấn đấu trở thành giáo viên như thầy. Nhưng sao học Ngữ văn thích thế mà dạy khó và vất vả quá thầy ạ”. Còn gì vui hơn khi thấy học trò thành đạt? Lớp học tội nghiệp ở Ia Tul ngày nào đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp như thế đó!
Vũ Tam Thăng