Thầy giáo Phan Văn Thiên |
Để giúp học sinh ôn tập và làm tốt bài thi môn Ngữ văn, trước hết giáo viên cần bám sát đối tượng học sinh, đặc biệt chú trọng tới năng lực học tập của các em, đồng thời bám sát chuẩn kiến thức và kỹ năng. Trên cơ sở đó, hướng dẫn cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản và phương pháp làm bài. Bên cạnh đó, tổ chức cho học sinh thảo luận theo nhóm để các em có cơ hội nắm bắt những kiến thức trên chuẩn, điều này rất hữu ích khi làm những câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức và khả năng sáng tạo của đề thi tốt nghiệp.
Đối với học sinh, các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, bài giảng của thầy cô trên lớp về nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm văn học cụ thể. Học Văn tối kỵ là học vẹt, học tủ. Các em phải biết hệ thống hóa kiến thức và phải biết chốt lại những kiến thức trọng tâm của tác phẩm, để tránh lan man xa đề, lệch đề khi làm bài.
Thông thường cấu trúc của một đề văn gồm 2 phần: Phần chung (bắt buộc) và phần riêng (tự chọn). Phần bắt buộc có 2 câu: Tái hiện kiến thức và nghị luận xã hội. Ở phần tái hiện kiến thức (2 điểm), thường là kiến thức hiểu biết chung nhất về tác giả, tác phẩm (văn học Việt Nam hoặc văn học nước ngoài). Tuy nhiên, những năm gần đây, câu hỏi của phần này không chỉ dừng lại ở phần trình bày những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp nhà văn mà đi sâu vào việc tìm hiểu tác phẩm.
Ví dụ: Trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, khách ở quán trà vào nhà lão Hoa đã bàn những chuyện gì. Hãy cho biết điều nhà văn nói qua những chuyện ấy (đề thi năm 2008-2009). Ở phần nghị luận xã hội (3 điểm), có thể là dạng nghị luận về tư tưởng, đạo lý hoặc một hiện tượng đời sống. Trong câu hỏi này, phần lớn không phụ thuộc nhiều vào việc học bài mà phải có kiến thức xã hội và kỹ năng làm văn của học sinh. Nếu các em có tư duy sáng tạo, hành văn, diễn đạt tốt, khả năng nhận thức các vấn đề xã hội nhanh nhạy thì kết quả làm bài sẽ cao.
Phần tự chọn (5 điểm) là dạng câu hỏi theo chương trình chuẩn và nâng cao. Trong phần này, các em cần đọc kỹ đề, sau đó chọn một câu phù hợp với năng lực để làm. Để tránh sót ý, thiếu ý, các em phải lập dàn ý (sơ lược hoặc chi tiết) và dành thời gian cho việc đọc lại bài (khoảng 5-7 phút cuối để sửa lỗi). Trong suốt quá trình thi, học sinh phải biết phân phối thời gian làm bài cho mỗi câu hỏi một cách thích hợp (có thể câu tái hiện kiến thức: 15 phút; câu nghị luận xã hội: 45-60 phút, thời gian còn lại cho câu của phần tự chọn).
Báo Gia Lai mong nhận được những ý kiến của các giáo viên, học sinh, sinh viên về cách ôn và thi đạt kết quả tốt để mở rộng và rút kinh nghiệm cho đợt ôn thi đại học, cao đẳng năm 2011. Mọi đóng góp xin gửi về chuyên mục Đồng hành cùng mùa thi, Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku, Gia Lai; E-mail: baogialai@dng.vnn.vn, chebanbgl@yahoo.com.vn hoặc gldt_bgl@yahoo.com.vn. |
Thái Bình (thực hiện)