* Trung Quốc đưa tàu tới vùng biển Trường Sa
Kể từ ngày 2-4, Hội Địa lý Hoa Kỳ (NGS) đã bắt đầu sửa đổi ghi chú đối với quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ World Classic của mình. Trên bản đồ này, quần đảo Hoàng Sa sử dụng tên quốc tế “Paracel Islands” và bỏ thông tin về chủ quyền (trước đó ghi kèm chữ “China”).
Trước đó, ngày 25-3, sau phản ứng của Việt Nam, Hội Địa lý Hoa Kỳ cho biết sẽ sử dụng tên quốc tế Paracel Islands đối với các bản đồ thế giới tỉ lệ nhỏ, bỏ thông tin chủ quyền, trong khi với các bản đồ tỉ lệ lớn, bản đồ châu lục sẽ sử dụng tên Paracel Islands cùng chú thích “Bị Trung Quốc chiếm đóng năm 1974, đặt tên Tây Sa quần đảo, Việt Nam tuyên bố chủ quyền, gọi tên Hoàng Sa”. Hội cho biết những thay đổi này sẽ được thể hiện trên bản đồ in trong tương lai và sớm thể hiện trên mạng Internet.
Tên quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ thế giới đã được sửa đổi - Ảnh chụp từ trang web của NGS ngày 2-4 - (http://www.natgeomaps.com/world_classic) |
Riêng trên bản đồ châu Á, đến ngày 2-4 quần đảo Hoàng Sa vẫn có tên Xisha Qundao với chú thích “Paracel Is.” trong ngoặc cùng dòng chữ “Kiểm soát bởi Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền bởi Việt Nam”.
* Ngày 2-4, Hãng tin DPA của Đức cho biết hai tàu ngư chính của Trung Quốc rời đảo Hải Nam để thực hiện cuộc tuần tra khu vực đảo Trường Sa. Cơ quan dịch vụ thông tấn Trung Quốc (CNS) dẫn lời các quan chức nước này nói “kế hoạch tuần tra Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa)” có mục tiêu chống cướp biển và bảo vệ “công tác sản xuất và sinh hoạt bình thường của ngư dân Trung Quốc”.
Những quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo hai tàu tham gia tuần tra là ngư chính 311 và 202, thuộc hai bộ phận tuần tra ngư nghiệp khác nhau của Trung Quốc. Trong hai tàu có một tàu ngư chính lớn và nhanh nhất của Trung Quốc, vốn là một tàu chiến nặng 4.450 tấn được cải tiến. DPA dẫn lại nguồn CNS nói cuộc tuần tra dự kiến kéo dài một tháng nhưng có thể được gia hạn thêm.
CNS biện hộ rằng các tàu đánh cá Trung Quốc đã bị tấn công hoặc bắt giữ trong vùng biển này hơn 300 lần kể từ năm 1994, dẫn tới việc 25 công dân Trung Quốc thiệt mạng và khoảng 1.800 người khác bị bắt giữ.
Theo Tuoitre