Du lịch

Hành trang lữ hành

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô: Nâng tầm “thương hiệu” du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2023 do UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) tổ chức đã bế mạc vào sáng 18-11. Qua 4 lần tổ chức, đây là lần đầu tiên chiếc cúp A Sanh được trao cho đội vô địch hội đua thuyền, như một cách xác nhận “thương hiệu” du lịch cho sự kiện đã trở thành điểm nhấn đặc sắc của huyện vùng biên.

Sôi nổi “đường đua xanh”

Là hoạt động hấp dẫn trong chuỗi sự kiện của Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng đã thu hút hàng ngàn du khách các nơi đổ về xã Ia O trong 2 ngày 17 và 18-11. Hoạt động mang đến cảm nhận khác biệt nơi du khách khi được tìm hiểu về nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân gắn với dòng Pô Cô huyền thoại; đồng thời, chứng kiến, cổ vũ cho cuộc tranh tài trên “đường đua xanh” giữa mênh mang trời nước cao nguyên.

Hấp dẫn “đường đua xanh” giữa mênh mang trời nước. Ảnh: P.D

Hấp dẫn “đường đua xanh” giữa mênh mang trời nước. Ảnh: P.D

Đối với đồng bào Jrai sinh sống bên dòng Pô Cô, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện đi lại và đánh bắt thủy sản. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những chiếc thuyền độc mộc đã trở thành phương tiện vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược và đưa hàng ngàn bộ đội ta qua sông đánh giặc, góp phần làm nên các chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta. Trong đó, Anh hùng A Sanh-”Người lái đò trên sông Pô Cô” là hình ảnh tiêu biểu cho ý chí quật cường, anh dũng và tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc huyện nhà. Ngày nay, thuyền độc mộc vẫn còn được người dân nơi đây sử dụng. Việc tổ chức hội đua thuyền được xem là cách thức hữu hiệu nhằm duy trì bản sắc, lưu giữ ký ức hào hùng.

Từ sức hấp dẫn của một sự kiện truyền thống, năm nay, hội đua thuyền thu hút 39 đội tham gia, tăng 9 đội so với năm trước. Mỗi đội gồm 2 vận động viên, tham gia vượt sóng trên đường đua dài 1.000 m. Và 8 đội xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung kết hạng A; các đội còn lại tham gia vòng chung kết hạng B.

Tại hội thi, hàng chục tay chèo đến từ các xã, thị trấn, trường học, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai và tỉnh bạn Kon Tum đã trình diễn những màn tranh tài vô cùng sôi nổi, phô diễn sự khỏe khoắn, nhanh nhẹn và khéo léo để đưa thuyền về đích nhanh nhất. Trời đẹp và trong, song mặt nước có gió to, sóng lớn là thử thách thực sự đối với các tay chèo trong hành trình chinh phục chiếc cúp mang tên người anh hùng. Sóng mạnh đã đánh úp một số chiếc thuyền khiến lực lượng cứu hộ phải vào cuộc hỗ trợ. Đây là điều hiếm khi xảy ra tại hội đua những năm trước. Nhưng những tay chèo cừ khôi vẫn quyết liệt cưỡi sóng để chinh phục đường đua. Vận động viên Rmah Nhung (xã Ia Krai) khẳng định: “Tuy năm nay sóng lớn, gió to gây khó khăn nhưng chúng tôi không từ bỏ quyết tâm giành thứ hạng cao nhất”.

Khi cuộc đua bắt đầu cũng là lúc trên bờ, ven bãi bồi làng Dăng, hàng ngàn khán giả chăm chú dõi theo reo hò, cổ vũ cho các đội. Anh Nguyễn Văn Diệu-du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh-chia sẻ: “Ở ngoài mình cũng có hội đua thuyền, nhưng đua thuyền độc mộc thì đúng là đặc trưng chỉ có ở vùng này. Mình thấy chèo thuyền kiểu này rất khó, không phải ai cũng làm được. Mình rất vui khi được đến đây và chứng kiến không khí sôi động này”.

Sau cuộc tranh tài của 8 đội vào vòng chung kết hạng A, đội thi đến từ huyện Ia HDrai (tỉnh Kon Tum) đã xuất sắc mang về chiếc cúp A Sanh. Đây là năm thứ 2 liên tiếp đội giành thứ hạng cao nhất. Vận động viên Nguyễn Văn Minh hào hứng: “Đội chúng tôi tham gia 2 lần thì 2 lần đều đoạt chức vô địch. Đây đúng là niềm vui lớn”. Niềm vui càng nhân lên khi một đội thi khác của huyện Ia H'Drai cũng được Ban tổ chức trao giải ba. Đội thi xã Ia O (huyện Ia Grai) về nhì trong tiếc nuối. Ở vòng chung kết hạng B, giải nhất, nhì, ba lần lượt được trao cho các xã Ia Hrung, Ia O và Ia Khai.

“Miền biên giới làm say lòng người”

Diễn ra cùng lúc với Hội đua thuyền là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai với 13 đội cùng tham gia. Không chỉ là địa phương sở hữu số lượng cồng chiêng lớn nhất tỉnh với trên 750 bộ, Ia Grai còn lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa độc đáo. Liên hoan Văn hóa cồng chiêng là dịp để các nghệ nhân cống hiến những màn diễn tấu mãn nhãn, làm say lòng người bằng âm thanh trầm bổng cùng điệu xoang duyên dáng.

Rộn rã liên hoan cồng chiêng. Ảnh: Lam Nguyên

Rộn rã liên hoan cồng chiêng. Ảnh: Lam Nguyên

Một trong những phần trình diễn gây ấn tượng cho du khách khi đến với liên hoan là tiết mục “Mừng dòng sông Pô Cô có A Sanh anh hùng” của các nghệ nhân xã Ia Khai-quê hương người anh hùng. Để tham gia liên hoan, các thành viên trong đội đã cùng nhau điêu khắc mô hình gỗ mô phỏng Anh hùng A Sanh chèo thuyền độc mộc đưa bộ đội qua sông. Mô hình được nghệ nhân công kênh trên vai, lắc lư nhịp nhàng theo nhịp cồng chiêng, như thể chiếc thuyền đang dập dềnh trên sóng nước Pô Cô. Giữa vòng tròn khán giả cổ vũ nhiệt tình, nghệ nhân Siu Duôn tươi cười cho hay: “Quê hương mình rất tự hào khi có A Sanh. Và mình rất tự hào khi biểu diễn tiết mục này”.

Đánh giá về chất lượng liên hoan, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih-Thành viên Ban giám khảo-khẳng định: So với những năm trước, phần biểu diễn của các đội đều tốt hơn, hay hơn; đội nào cũng chịu khó đầu tư trang phục truyền thống, đạo cụ. “Cần tổ chức những liên hoan cồng chiêng như thế này nhiều hơn nữa để bồi đắp thêm đời sống tinh thần của bà con. Quan trọng hơn là để mấy đứa nhỏ nhìn theo, học hỏi truyền thống của ông cha”-Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih hào hứng nói. Với sự đánh giá công tâm của Ban giám khảo, giải nhất Liên hoan Văn hóa cồng chiêng đã được trao cho đội nghệ nhân xã Ia O; xã Ia Dêr và Ia Tô giành giải nhì. Các xã Ia Khai, Ia Pếch, Ia Sao đồng giải ba. Dịp này, Ban tổ chức còn trao 13 giải thưởng cho phần thi trình diễn trang phục truyền thống; trong đó, Công đoàn cơ sở Trung tâm Y tế huyện được trao giải nhất; 2 giải nhì thuộc về xã Ia Tô và xã Ia Krai. Ở phần thi dân vũ, xã Ia Dêr là đơn vị dẫn đầu; 2 giải nhì được trao cho thị trấn Ia Kha và Câu lạc bộ Toan Phạm.

Không chỉ thưởng thức những màn trổ tài mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, du khách còn được tham quan, mua sắm nhiều sản vật, nông sản đặc trưng chỉ có ở Ia Grai như: gạo A Sanh, cá khô sông Sê San, các sản phẩm OCOP như hồ tiêu, hạt điều, cà phê… Gian hàng của xã Ia Khai-Ia Pếch khiến nhiều khách tham quan thích thú khi xuất hiện sản phẩm du lịch độc đáo là mô hình thuyền độc mộc thu nhỏ, do chính tay nghệ nhân Rơ Châm HMơnh-một người làm thuyền độc mộc có tiếng của xã Ia Khai-chế tác. Anh Chee Soon Boon-du khách Singapore-tấm tắc: “Thật tuyệt vời khi có mặt ở đây, được chứng kiến các hoạt động thể thao, văn hóa đặc sắc của các bạn. Chuyến đi này của tôi đúng là một kỷ niệm khó quên”.

Phát biểu bế mạc, ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng năm 2023-đánh giá: “Trong 2 ngày tranh tài sôi nổi và trải qua các vòng thi, chương trình đã thành công tốt đẹp. Đã có những nụ cười của niềm vui chiến thắng và những nuối tiếc, song trên tất cả, ngày hội đã để lại ấn tượng đẹp. Những năm tới, huyện sẽ nỗ lực tổ chức quy mô hơn, chất lượng hơn để mang lại những trải nghiệm đáng nhớ trong lòng du khách”.

Đây cũng là dịp huyện Ia Grai quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách gần xa các điểm du lịch hấp dẫn như: làng chài, thác Mơ, Bến đò A Sanh, Khu Di tích chiến thắng Chư Nghé, thác Ba tầng, thác Chín tầng, rừng Lùn... qua đó thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, kinh tế-xã hội địa phương. Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Quý nhấn mạnh: “Du khách đến đây để được trải nghiệm, khám phá nét đẹp thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, không khí trong lành, hòa mình cùng không khí lễ hội. Đến với Ia Grai là đến với một miền biên giới bình yên, một miền biên giới làm say lòng người”.

Có thể bạn quan tâm