Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Hội Liên hiệp phụ nữ chú trọng công tác giám sát, phản biện xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xác định tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai đã cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam và Tỉnh ủy; xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, phản biện xã hội cụ thể. Thông qua giám sát, phản biện xã hội nhằm khẳng định tiếng nói, vị thế, vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Theo đó, các cấp Hội chủ động lựa chọn nội dung giám sát những vấn đề thiết thân, bức xúc, nổi cộm liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phụ nữ tại địa phương được phản ánh thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, tiếp xúc cử tri, đối thoại trực tiếp. Khi tiến hành hoạt động giám sát, các cấp Hội chuẩn bị thật kỹ đề cương giám sát, gửi trước cho đối tượng giám sát để đảm bảo sự chuẩn bị trọng tâm, sát với nội dung giám sát và có thời gian trao đổi về những vấn đề chưa cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, các cấp Hội đã chủ động mời các ngành thành viên liên quan tham gia đoàn giám sát của Hội. Hội LHPN tỉnh đã thành lập 7 đoàn giám giám sát 5 nội dung tại 7 xã, thị trấn và 7 huyện; cấp huyện giám sát 20 nội dung với 64 đoàn giám sát tại 47 xã, thị trấn và 17 ngành liên quan tại huyện; cấp xã tổ chức 425 đoàn giám sát với 79 nội dung liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Sau giám sát đã có các kiến nghị, đề xuất với các ngành liên quan và theo dõi kết quả triển khai, thực hiện của cơ quan, đơn vị.

Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, các cấp Hội đã thực hiện công tác phản biện xã hội với hình thức tham gia góp ý vào 740 dự thảo văn bản (trong đó, cấp tỉnh góp ý 65 văn bản, cấp huyện 138 văn bản, cấp xã 537 văn bản). Nội dung phản biện tập trung vào các dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định của cấp ủy, các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới... với 12.470 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia góp ý các dự thảo. Hội LHPN tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện 2 nội dung: dự thảo Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; dự thảo Đề án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Thực hiện Quyết định số 553-QĐ/TU ngày 14-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội chủ động tham mưu giúp cấp ủy Đảng tổ chức 7 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo Hội các cấp với cán bộ, hội viên phụ nữ về giải quyết tranh chấp và chi trả chế độ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; về hoạt động công tác Hội... với 740 lượt hội viên phụ nữ tham gia đề xuất ý kiến và được các cấp Hội, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp thu, góp phần làm cho hệ thống chính sách về bình đẳng giới ngày càng được bổ sung, hoàn thiện.

Hội LHPN tỉnh Gia Lai và Sở Công tác phụ nữ tỉnh Stung Treng (Vương quốc Campuchia) ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2025. Ảnh: Duy Linh

Hội LHPN tỉnh Gia Lai và Sở Công tác phụ nữ tỉnh Stung Treng (Vương quốc Campuchia) ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2025. Ảnh: Duy Linh

Các hoạt động giám sát và phản biện của Hội LHPN đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung, những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em. Mối quan hệ xã hội của tổ chức Hội Phụ nữ với các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội ngày càng được thắt chặt, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo công bằng, bình đẳng. Với những kết quả cụ thể đã đạt được qua giám sát và phản biện xã hội đã khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội LHPN các cấp đã góp phần tích cực trong xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch vững mạnh.

Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và vận dụng sáng tạo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị khóa XI về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện. Chú trọng nâng cao chất lượng, kết quả thực chất của công tác giám sát, phản biện của tổ chức Hội bằng những hoạt động cụ thể, hướng tới những nhóm đối tượng cụ thể để có đủ thông tin dữ liệu làm cơ sở để phối hợp xây dựng và đề xuất chính sách phù hợp đối với phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội; đảm bảo trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong giai đoạn mới. Chủ động lựa chọn nội dung giám sát đề xuất cấp ủy cùng cấp phê duyệt hàng năm vào chương trình giám sát chung của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành cơ chế tiếp thu các kiến nghị sau giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Đồng thời, thường xuyên phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo Hội các cấp đối với hội viên phụ nữ về các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.

Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức Hội và hiệu quả thực chất của hoạt động giám sát, phản biện xã hội, Hội LHPN tỉnh kiến nghị một số vấn đề sau: Một là, Nhà nước cần cụ thể hóa quan điểm của Đảng để hoàn thiện pháp luật về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể như: quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp tài liệu, tiếp thu, giải trình, giải quyết những kiến nghị của Hội, trường hợp không thực hiện trách nhiệm cũng cần có chế tài đảm bảo. Hai là, đề nghị tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại giữa các tầng lớp nhân dân, hội viên phụ nữ với cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp để kịp thời nắm bắt, giải quyết tâm tư nguyện vọng của người dân, hội viên phụ nữ. Ba là, gắn kết quả việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Hội LHPN các cấp với đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được giám sát; với phân loại thi đua các tổ chức cơ sở Đảng, hoạt động của các đơn vị, địa phương hàng năm.

RƠ CHĂM H'HỒNG

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Có thể bạn quan tâm