Kinh tế

Hội nghị phổ biến các quy định về SPS

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Sáng 18-10, tại Pleiku, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai tổ chức hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định UKVFTA.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam; đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế, Hội nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố; đại điện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội của tỉnh và một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Thanh Hòa-Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam kiêm Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam

Ông Lê Thanh Hòa-Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam kiêm Phó Cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Nam

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Hòa-Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam kiêm Phó cục trưởng Cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Văn phòng SPS Việt Nam là kênh trao đổi thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS (Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn bệnh dịch động, thực vật). Mục tiêu của Hiệp định SPS là quyền bảo vệ sức khỏe con người, động vật và thực vật của mỗi quốc gia thành viên; tránh tạo ra các rào cản không cần thiết trong thương mại giữa các quốc gia thành viên. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2021. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Từ đầu năm đến nay, Văn phòng SPS Việt Nam đã cập nhật tổng số 868 thông báo bao gồm các dự thảo và các quy định có hiệu lực về SPS của các thành viên WTO có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu nông, lâm và thủy sản của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh đạt 4,62 tỉ USD (xuất khẩu của Việt Nam sang Vương Quốc Anh đạt gần 4,1 tỉ USD). Hiện nay, hơn 85% thuế được xoá bỏ đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Vương Quốc Anh. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 99,7% vào năm 2027. Gần đây, Vương Quốc Anh là thành viên thứ 12 của Hiệp định CPTPP (sau khi nước Anh hoàn tất thủ tục và có hiệu lực từ năm 2024), dự báo những sản phẩm có tiềm năng lớn của Việt Nam như: gạo thơm, cá ngừ, mật ong … và đặc biệt là nông sản, rau quả thực phẩm sẽ tăng mạnh tại Anh nhờ ưu đãi thuế quan.

Tại hội nghị, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai-thông tin: Gia Lai có tổng diện tích gieo trồng năm 2023, đạt khoảng 575.200 ha; hình thành được 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích 3.489,6 ha; có khoảng 233.522,89 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh; có 6 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi với tổng số 176 trại liên kết; có 7 hợp tác xã liên kết với các hộ sản xuất theo chuỗi; có 311 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 70-80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, cây ăn quả… đã có mặt tại gần 40 quốc gia. Một số mặt hàng đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các nước là thành viên của Liên minh châu Âu (EU)… điển hình là cà phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình 300 triệu USD/năm.

Các đại biểu tham dự hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định UKVFTA. Ảnh: Lê Nam

Các đại biểu tham dự hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định UKVFTA. Ảnh: Lê Nam

Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm hướng tới xuất khẩu sang các thị lớn, ông Đoàn Ngọc Có đề xuất cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật; đẩy mạnh cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu; đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất theo hướng bền vững kết hợp ứng dụng công nghệ cao, gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực sản xuất cho các vùng chuyên canh lớn; rà soát, điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch, kế hoạch ngành nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; gắn quy hoạch với nhu cầu và diễn biến của thị trường, coi trọng thị trường trong nước nhưng phải lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm...

Chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ đi tham quan thực tế tại Nhà máy công nghệ cao sản xuất và chế biến cà phê-hồ tiêu của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp triển khai tại lô D1-6 (Khu công nghiệp Trà Đa mở rộng, TP. Pleiku) và Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên (thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku).

Có thể bạn quan tâm