Chính trị

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Sáng 19-6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng-Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Phan Đình Trạc-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; Trần Cẩm Tú-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Đại tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực.

Dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng-chống TNTC tỉnh gồm: Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Ngày 10-5-2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Đến ngày 5-8-2022, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố đã được thành lập. Các Ban Chỉ đạo đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng-chống TNTC; các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư. Các địa phương đã ban hành 2.196 văn bản để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng-chống TNTC ở địa phương, đơn vị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Các Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm. Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Theo đó, các địa phương đã chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tăng gấp gần 3 lần so với thời điểm 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 147 cuộc kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trong việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng-chống TNTC; về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; về thực hiện các kết luận của các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; các kết luận thanh tra và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

Các Ban Chỉ đạo đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Các địa phương đã khởi tố 530 vụ án với 1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; khởi tố 1.132 cán bộ, đảng viên liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan có chức năng phòng-chống TNTC sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Hội nghị lần này nhằm bổ sung một số vấn đề, giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác phòng-chống TNTC. Mặc dù thời gian thành lập đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rút ra kinh nghiệm quý, cách làm hay cần nhân rộng nhằm nâng cao hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, qua đó làm tốt công tác phòng-chống TNTC. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chúng ta đã thực hiện đúng nguyên tắc “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, cấp trên không đùn đẩy cho cấp dưới và ngược lại. Sau 1 năm thành lập, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã triển khai toàn diện các mặt công tác, theo chức năng nhiệm vụ được giao, góp phần tạo chuyển biến ở địa phương, cơ sở. Triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, khẩn trương xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, gương mẫu, quyết liệt mạnh mẽ, được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc, để khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”; xử lý nghiêm tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm.

Phát huy tốt vai trò của cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc, báo chí và toàn thể nhân dân; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Nếu phát hiện vi phạm phải tiến hành kỷ luật về mặt Đảng, kỷ luật hành chính rồi mới tới xử lý hình sự. Phòng-chống tham nhũng, tiêu cực trở thành phong trào, xu thế được nhân dân đồng tình ủng hộ, điều đó khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là đúng đắn.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu phải có quy chế, làm việc khoa học bài bản, phân công nhiệm vụ cụ thể, tập thể Ban Chỉ đạo và đồng chí trưởng ban phải liêm chính, nói đi đôi với làm; đảm bảo sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, xử lý kịp thời, dứt điểm; kịp thời điều chuyển thay thế cán bộ không làm được. Đoàn kết phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các công việc, cương quyết, không vì lợi ích cá nhân trong xử lý các vụ việc.

Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy vai trò cơ quan dân cử, báo chí, doanh nghiệp, dựa vào dân, lắng nghe dân để xử lý những bức xúc. Ban Chỉ đạo phải chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Trung ương, chính vì thế, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, tuân thủ quy chế làm việc, xây dựng Đảng, Nhà nước vững mạnh, tạo niềm tin trong nhân dân. Nâng cao văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên, tránh việc né tránh, sợ sai, “ai không làm được thì đứng sang một bên cho người khác làm”. Tập trung công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn với biểu hiện "tự diễn biến tự chuyển hóa"; người đứng đầu cấp ủy phải gương mẫu, nói đi đôi với làm; xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khắc phục tình trạng tham nhũng vặt. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phòng-chống TNTC phải thường xuyên trau dồi đạo đức, tác phong, phải thực sự liêm chính, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Có thể bạn quan tâm