(GLO)- Sáng 25-4, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2022. Đồng chí Lê Văn Thành-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng-chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN-chủ trì hội nghị.
Tham gia tại điểm cầu Gia Lai có các đồng chí: Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2022 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa |
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Năm 2021, cả nước xảy ra 18/22 loại hình thiên tai; có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận giông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm. Thiên tai làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87%). Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19 cũng như thiếu thốn về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng-chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, các bộ, ngành, địa phương cùng nỗ lực của cộng đồng nên nhìn chung, thiệt hại trong năm 2021 giảm nhiều so với các năm trước đó.
Trong năm, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 1.754 tỷ đồng cho các tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có 1.350 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp các cơ sở hạ tầng bị thiệt hại, 402,85 tỷ đồng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất và 1,42 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại về nhà ở. Ngoài ra, còn hỗ trợ 3.738 tấn gạo cứu đói thiên tai, 765 tấn giống cây trồng và các loại vắc xin, hóa chất…; cấp 1.461 nhà bạt, 176.699 vật dụng hỗ trợ người dân vùng thiên tai. Từ nguồn Quỹ Phòng-chống thiên tai và ngân sách địa phương, các tỉnh cũng trích hỗ trợ cho các hoạt động phòng-chống thiên tai với tổng kinh phí trên 2.317 tỷ đồng. Tính từ ngày 1-1-2021 đến nay đã điều động 83.106 lượt người và 6.978 lượt phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn 2.593 vụ, cứu được 2.968 người…
Năm 2021, tỉnh Gia Lai chịu ảnh hưởng của 9 đợt thiên tai, tổng thiệt hại hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do 2 đợt hạn hán là 141 tỷ đồng với hơn 18.840 ha diện tích cây trồng bị hạn; thiệt hại do mưa giông, lốc, sét, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão… với tổng giá trị thiệt hại hơn 119 tỷ đồng, làm 13 người thương vong, 326 nhà dân bị sập, tốc mái, ngập nước, hơn 1.800 ha lúa và hoa màu, cây ăn trái bị hư hỏng, nhiều công trình hạ tầng giao thông bị hư hỏng… Chỉ trong tháng 3 và 4-2022, Gia Lai chịu ảnh hưởng của 2 đợt mưa trái mùa với tổng giá trị thiệt hại là hơn 48 tỷ đồng. Tỉnh đã tổ chức phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại sản xuất nông nghiệp do thiên tai gây ra trong năm 2021 với số tiền gần 8 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương gần 6 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 2 tỷ đồng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể, trong các tháng đầu năm là các đợt rét đậm, rét hại kéo dài tại các tỉnh miền Bắc, đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa… gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị, trong bối cảnh tình hình thời tiết năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, các đơn vị phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, cảnh báo; công tác hỗ trợ khắc phục thiên tai phải được triển khai đồng bộ và kịp thời hơn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng-chống thiên tai; xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, được đầu tư mạnh mẽ phục vụ công tác phòng-chống thiên tai, TKCN trong tương lai... Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng, công tác quản lý, vận hành hồ chứa, điều tiết xả lũ tại các công trình hồ chứa tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên còn nhiều bất cập, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị, địa phương, bộ, ngành trong việc theo dõi, quản lý, giám sát…
Dịp này, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng-chống thiên tai năm 2021 được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
LÊ HÒA