Xã hội

Hội Phụ nữ kết nối mạng xã hội an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nay, mạng xã hội đã trở thành kênh truyền thông hữu ích trong hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Gia Lai, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chuyện ở làng Leng Tô

Một ngày cuối tháng 6, tôi có hẹn với bà Đinh H'Phiên (làng Leng Tô, thị trấn Đak Pơ) nhưng bị trễ do lạc đường. Gặp mấy đứa trẻ đang ngồi chơi trước sân ngôi nhà sàn, tôi dừng lại hỏi thăm. Sau đó, tôi lấy trong ba lô mấy gói kẹo đưa cho bé lớn nhất nói chia cho các bạn cùng ăn cho vui.

Chuyện không có gì đáng nói, nhưng khoảng 30 phút sau, khi tôi đang ngồi trò chuyện cùng bà H'Phiên, bà nhận được cuộc điện thoại hỏi về danh tính người lạ vừa vào làng. Tiếp đó, một người mẹ trẻ chở theo đứa bé tay cầm bì kẹo xuống nhà bà H'Phiên để xác nhận “lai lịch” của người cho. Lúc này, chị mới yên tâm để cho con thưởng thức món kẹo đậu phộng ngon lành.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) tuyên truyền về hoạt động lừa đảo qua mạng để hội viên nâng cao cảnh giác. Ảnh: M.C

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh) tuyên truyền về hoạt động lừa đảo qua mạng để hội viên nâng cao cảnh giác. Ảnh: M.C

Sự cảnh giác của người mẹ trẻ nêu trên quả không thừa, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy người dân được tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác. Trò chuyện vấn đề này với tôi, chị Đinh Thị Lach-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Leng Tô-cho biết: “Mạng xã hội, báo chí đưa tin nhiều vụ người lạ cho trẻ con kẹo bánh rồi dụ dỗ bắt cóc. Vì vậy, trong các cuộc họp, mình thường xuyên nhắc nhở chị em phải nâng cao cảnh giác, phòng ngừa. Các chị dặn con khi thấy người lạ vào làng cho kẹo bánh và dụ dỗ lên xe chở đi thì tuyệt đối không được theo họ và phải báo lại với người lớn. Nhờ vậy mà làng chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào”.

Chi hội trưởng Phụ nữ làng Leng Tô cho biết thêm, trẻ em cần được quan tâm, bảo vệ tránh để xảy ra tai nạn thương tích, xâm hại, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè. “Theo thói quen sinh hoạt, người Bahnar thường đi làm nương rẫy và để con cái ở nhà tự trông nhau, số ít theo bố mẹ lên rẫy. Gần đây, mạng xã hội đăng tải một số vụ đuối nước trẻ em ở các địa phương trong tỉnh nên mình đã chia sẻ để chị em cùng biết và nhắc nhở khi đi làm rẫy phải dặn con cái tránh xa ao hồ, sông suối”-chị Lach cho hay.

Trước đây, Chi hội Phụ nữ làng Leng Tô họp định kỳ mỗi tháng 1 lần. Nếu chị em vắng họp nhiều, tháng đó họp 2 lần để đảm bảo được tiếp cận thông tin kịp thời, đầy đủ. Từ đầu năm đến nay, chị Lach lập nhóm hội viên trên mạng xã hội Zalo nên thông tin đến với chị em nhanh, kịp thời hơn. Chi hội hiện có 160 hội viên, trong đó phân nửa chị em sử dụng mạng xã hội. Nhờ sức lan tỏa, kết nối của mạng xã hội mà thông tin được cập nhật nhanh hơn. “Các vụ việc được mình cập nhật, chia sẻ lên nhóm và nhắc nhở chị em đề phòng, nhất là những hình thức lừa đảo mới qua mạng mà báo chí thông tin thời gian gần đây. Trước đây, những nội dung như vậy đều phải chờ họp chi hội mới thông tin trực tiếp cho mọi người”-chị Lach nói.

Kết nối mạng xã hội an toàn

Mạng xã hội hiện được xem là một trong những kênh thông tin hữu ích giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội và phong trào phụ nữ ở các địa phương. Theo nhiều cán bộ phụ nữ, mạng xã hội không chỉ giúp kết nối nhanh với hội viên, mà nhiều thông tin hữu ích, những câu chuyện cảnh giác cũng được cập nhật kịp thời để chị em nắm bắt, đề phòng. Nhiều chị còn ứng dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá và kết nối các sản phẩm khởi nghiệp cho hội viên phụ nữ.

Đội ngũ cán bộ hội tham gia lớp tập huấn "Ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng xã hội an toàn trong hoạt động hội" do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: Minh Châu

Đội ngũ cán bộ hội tham gia lớp tập huấn "Ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng xã hội an toàn trong hoạt động hội" do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: Minh Châu

Theo chị Thuen-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đak Rong (huyện Kbang), hội viên phụ nữ chủ yếu là người Bahnar sinh sống rải rác trên địa bàn rộng, việc tập hợp chị em để họp hành hoặc tham gia các hoạt động, phong trào gặp nhiều khó khăn. Các mạng xã hội như Zalo, Facebook đã trở thành “cánh tay” đắc lực cho cán bộ Hội. Dù không phải hội viên nào cũng sử dụng điện thoại thông minh và kết nối mạng xã hội, nhưng các hoạt động được cập nhật trên Facebook hay thông báo trên nhóm Zalo được chị em dùng mạng xã hội “truyền miệng” lại cho người không sử dụng, từ đó mà thông tin lan tỏa nhanh chóng và kịp thời. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nội dung được triển khai hoàn toàn thông qua mạng xã hội nhưng vẫn đạt hiệu quả tuyên truyền, vận động.

“Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội cũng khiến chúng tôi lo ngại. Do trình độ dân trí thấp, nhận thức của một số chị em hạn chế nên khó phân biệt tin giả, tin xấu, độc trên môi trường mạng. Nguy cơ bị lừa đảo qua mạng cũng luôn hiện hữu. Vì vậy, chúng tôi rất cần được trang bị thêm kiến thức để kết nối mạng xã hội an toàn cho mình và hướng dẫn, hỗ trợ hội viên”-chị Thuen chia sẻ.

Trước xu hướng chuyển đổi số, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối mạng xã hội an toàn trong hoạt động được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh xác định là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2021-2026. Triển khai nội dung này, Hội đã mở lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhất là ở các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài khai thác thế mạnh của công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời đại 4.0, kỹ năng kết nối mạng xã hội an toàn, phân biệt tin giả, tin xấu độc là nội dung được đặc biệt chú trọng để xây dựng mạng xã hội thành kênh truyền thông hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm