Sức khỏe

Hội thảo đánh giá can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 27-11, tại TP. Pleiku, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá hoạt động can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại tỉnh Gia Lai. Hội thảo có sự đồng hành của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF).

Dự hội thảo có ông Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, đại diện UNICEF tại Việt Nam. Về phía tỉnh Gia Lai có bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

z6073396461769-a1a25381c082d94b95a993ec1b543a7e.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Như Nguyện

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, năm 2023, tại Gia Lai có 140.261 trẻ em dưới 5 tuổi nhưng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cấp tính chiếm 8,2%; trong đó, trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng chiếm 1,6%. Qua các đợt sàng lọc và giám sát cho thấy, các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính và cấp tính nặng thường tập trung ở các huyện nghèo, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa và là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong chiến dịch uống Vitamin A và cân đo trẻ đợt 1 năm 2024, tỉnh Gia Lai đã sàng lọc và phát hiện 374 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng cần hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng để điều trị.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên Viên Chinh Chiến nhấn mạnh: Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã đề xuất Ban Quản lý dự án Vì sự sống còn và phát triển của Trẻ em và Môi trường (dự án CSDE) và UNICEF hỗ trợ hoạt động trong khuôn khổ của dự án hợp tác Bộ Y tế Việt Nam và UNICEF thuộc kế hoạch năm 2024.

z6073396502019-5f9e8f374e46aca96431c821fd8fb3e2.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Như Nguyện

Qua đó hỗ trợ sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng RUTF cho 374 trẻ tại tỉnh Gia Lai. Đồng thời, đơn vị đã hỗ trợ tập huấn cho cán bộ tuyến huyện và tuyến xã về sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính nặng, quản lý trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng cho tỉnh Gia Lai; giám sát hỗ trợ kĩ thuật hoạt động can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại tỉnh Gia Lai.

Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, hoạt động can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng bằng sản phẩm RUTF có hiệu quả cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ. Sau liệu trình điều trị hơn 2 tháng, có 257 trẻ khỏi suy dinh dưỡng; 315 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng thoát khỏi kênh suy dinh dưỡng cấp tính nặng; trung bình một tháng sau khi ăn sản phẩm, trẻ tăng từ 100g đến 2.700g và sau khoảng 4 đến 5 tuần, trẻ đổi kênh suy dinh dưỡng (từ suy dinh dưỡng cấp tính nặng xuống suy dinh dưỡng vừa hoặc chuyển về kênh bình thường). Kết quả trên giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nặng cũng như góp phần cải thiện tình trạng của trẻ em tại tỉnh Gia Lai.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá cao chương trình hoạt động can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại tỉnh Gia Lai mà Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên triển khai thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn Bộ Y tế tiếp tục có nhiều chương trình hỗ trợ cho trẻ em và người dân Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.

z6073396744028-1e3be4e369f736e16caaedbd5dd9b621.jpg
Các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại tỉnh Gia Lai và đề xuất các kiến nghị, giải pháp trong công tác này thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm