Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Hội thảo khoa học "Giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững ở tỉnh Gia Lai"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 23-12, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững ở tỉnh Gia Lai”. 

Đồng chí: Trương Hải Long (ở giữa)-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Lưu Trung Nghĩa (bìa trái)-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Ngô Khắc Ngọc (bìa phải)-Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chủ trì hội thảo. Ảnh: Phan Lài
Đồng chí Trương Hải Long (ở giữa)-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Lưu Trung Nghĩa (bìa trái)-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Ngô Khắc Ngọc (bìa phải)-Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chủ trì hội thảo. Ảnh: Phan Lài

Các đồng chí: Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lưu Trung Nghĩa-Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT; Ngô Khắc Ngọc-Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chủ trì hội nghị. 

Cùng tham gia hội thảo có lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Nội Chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trong tỉnh; lãnh đạo các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy;  Ban Giám hiệu Trường Chính trị các tỉnh: Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông, Quảng Ngãi.

Đồng chí Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Phan Lài
Đồng chí Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Phan Lài

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, thu nhập của khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Sau 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng NTM đã trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn tỉnh, được cả hệ thống chính trị và đông đảo Nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, tích cực tham gia. Thông qua chương trình, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầy đủ, diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch-đẹp hơn. Các chương trình, đề án, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh giữ mức ổn định trên 7,3%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng. Số hộ nghèo giảm mạnh, đời sống tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Từ xuất phát điểm năm 2010, toàn tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 91/182 xã đạt chuẩn NTM; thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và TP. Pleiku được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 118 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí đạt bình quân của các xã trên địa bàn tỉnh đạt 16,6% và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, không xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, luôn tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả đạt được nói trên có vai trò quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh Gia Lai và đặc biệt là sự cụ thể hóa, nghiên cứu các văn bản của Trung ương, vận dụng cụ thể, sáng tạo, phù hợp với nét đặc thù về xây dựng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM ở tỉnh trong thời gian qua chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Hội thảo được tổ chức nhằm ghi nhận và đánh giá đúng kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình. Qua hội thảo, cần đánh giá đúng thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng NTM trong toàn tỉnh nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc và đề xuất những giải pháp tốt nhất để nhanh chóng khắc phục những vướng mắc, khó khăn, góp phần xây dựng NTM bền vững trong thời gian tiếp theo; hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. 

Quang cảnh hội thảo khoa học Giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phan Lài
Quang cảnh hội thảo khoa học Giải pháp xây dựng nông thôn mới bền vững ở tỉnh Gia Lai. Ảnh: Phan Lài

Tại hội thảo, đại diện Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về tình hình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 66 tham luận của các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các Trường chính trị trong khu vực, đề xuất các giải pháp xây dựng NTM bền vững ở tỉnh Gia Lai. 

Đồng chí Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Phan Lài
Đồng chí Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Phan Lài

Có 11 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo: “Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí về NTM tại TP. Pleiku, nhất là tiêu chí số 1 về quy hoạch”; “Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí về NTM trên địa bàn huyện Phú Thiện, nhất là tiêu chí số 3 về thủy lợi”; “Thực trạng xây dựng NTM trên địa bàn xã An Thành, huyện Đak Pơ và đề xuất một số giải pháp xây dựng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; “Giải pháp cho công tác giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai”; “Công tác tuyên truyền xây dựng NTM”… Qua đó, các đại biểu đã thảo luận, đi sâu phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp để thực hiện đồng bộ, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong thời gian tới. 

Kết luận hội thảo, đồng chí Ngô Khắc Ngọc-Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: Các tham luận đã khai thác những góc độ khác nhau trong xây dựng NTM. Mỗi tham luận là một công trình khoa học được đúc kết từ lý luận đến việc triển khai trong thực tiễn. Các tham luận, ý kiến tại hội thảo góp phần làm rõ hơn những khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng NTM. Các tham luận cũng đề xuất, kiến nghị và có những biện pháp cụ thể để xây dựng NTM theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Việc thảo luận nghiêm túc cùng những đóng góp ý nghĩa của các đại biểu đã làm sáng tỏ những vấn đề: tiếp tục khẳng định quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM. Chứng minh nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 thành tố có mối quan hệ mật thiết gắn bó không thể tách rời, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng NTM sẽ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn; chuyển hướng nông nghiệp theo hướng hiện đại, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong thời đại mới. Những ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực tại hội thảo là kết quả được tổng kết từ thực tiễn trong quá trình xây dựng NTM; là cơ sở để các địa phương tiếp tục quá trình xây dựng NTM bền vững, từng bước xây dựng NTM nâng cao trong thời gian đến. 

PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm