Dịch bệnh bùng phát, du lịch “đóng băng” khiến hoạt động kinh doanh homestay, farmstay (nhà ở, trang trại nghỉ dưỡng kết hợp đón khách du lịch) vốn đang nở rộ tại Lâm Đồng cũng ảm đạm. Tuy vậy, giá đất vườn đồi phục vụ đầu tư loại hình farmstay, nhà vườn nghỉ dưỡng, vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Sang tay, bán cắt lỗ
Đầu năm nay, anh Huỳnh Quang Nam (ngụ TPHCM) lên TP Đà Lạt thuê căn nhà có 7 phòng trên đường Hùng Vương với giá 15 triệu đồng/tháng để khởi nghiệp. Sau khi đầu tư hơn 200 triệu đồng để biến nơi đây thành “homestay” view rừng thông thì đợt dịch Covid-19 bùng phát. “Hồi mới làm, tôi quyết tâm cao lắm vì đi TP Đà Lạt nhiều, thích khí hậu ở đây.
Trước khi quyết định đầu tư, tôi đã tìm hiểu rất kỹ nhu cầu thị trường, chạy quảng cáo, kết nối khách, khả năng tài chính của bản thân. Nhưng giờ việc kinh doanh lưu trú dừng hẳn. Bên cạnh tiền thuê nhà, các khoản chi phí duy trì khác cũng khiến tôi mệt mỏi”, anh Nam thở dài.
Trong tình thế khó khăn, nhiều người đã tìm đối tác sang nhượng nhưng điều này không dễ dàng. Chị Hồng Ân (phường 4, TP Đà Lạt) chia sẻ, chị đã rao căn nhà đang kinh doanh homestay có 7 phòng ngủ, có sân đậu ô tô, khu vực nướng ngoài trời với giá 18 triệu đồng/tháng, nhưng hai tháng nay vẫn không có người thuê.
Tương tự, anh Phạm Anh Tài rao cho thuê lại một homestay trong khu Golf Valley với giá 20 triệu đồng/tháng, trường hợp khách muốn kinh doanh thì sẽ sang nhượng lại với giá 300 triệu đồng, bao gồm 4 tháng tiền thuê nhà, 60 triệu đồng tiền cọc và để lại toàn bộ nội thất với 8 phòng ngủ, nhưng cũng không có khách.
Khác với homestay có thể thuê để kinh doanh, những người làm farmstay thường phải có nền tảng tài chính ổn định, vững chắc để sở hữu một khoảnh đất đủ rộng làm du lịch trải nghiệm hoặc đôi khi chỉ để thỏa đam mê “về vườn”. Tuy nhiên, không ít người vay tiền để đầu tư đang chịu áp lực trả nợ nên phải rao bán.
Một khu vườn trồng cà phê tại xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc được cải tạo thành farmstay |
Anh Lê Tiến Hải, chủ một farmstay trên đỉnh đồi cao nhìn về trung tâm TP Bảo Lộc (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc), chia sẻ: “Tôi vay mượn hơn 3 tỷ đồng, mua được 4 sào đất đồi cà phê. Sau đó đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo cảnh quan, dựng nhà gỗ với một số phòng ngủ để đón khách. Mô hình này được nhiều người ưa chuộng trải nghiệm, có thời điểm người ta trả vườn, nhà này 7 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Giờ không có khách thuê, tôi chịu áp lực trả nợ nhưng vẫn chưa tìm được người mua”.
Nguồn cung đất vườn vẫn dồi dào
Thị trường đất phục vụ farmstay, đất làm nhà vườn tại Lâm Đồng những năm gần đây rộ lên, được nhà đầu tư từ TPHCM, Biên Hòa, Vũng Tàu, Hà Nội săn đón. Khi dịch Covid-19 bùng phát, thị trường khá trầm lắng. Nhiều trường hợp đã đặt cọc đất nhưng người mua đang ở trong vùng dịch, không thể di chuyển nên giao dịch bị hủy, sau đó kéo theo tâm lý đợi hết dịch mới tìm đất trở lại. Từ giữa tháng 9, những dấu hiệu các địa phương nới lỏng giãn cách, cho phép từng bước mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội đang mở ra hy vọng cho người bán và người có ý định mua.
Rong ruổi qua các khu vực ở Lâm Đồng mà trước đây việc giao dịch vốn rất sôi động, chúng tôi nhận thấy nguồn cung đất vườn hiện vẫn dồi dào. Những khu đất view hồ, suối có đường giao thông thuận tiện được nhiều người quan tâm, nhưng chủ yếu dừng lại ở khâu thăm dò và có tâm lý chờ giá cả hạ nhiệt.
Liên lạc qua số điện thoại được gắn trên bảng quảng cáo tại tuyến đường liên thôn ở xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, chúng tôi được chị L.A. (môi giới bất động sản tại TP Bảo Lộc) giới thiệu: “Vùng ven Bảo Lộc muốn có view núi thì khoảng 400 triệu đồng/sào (1.000m2), còn đã có sẵn điện, nước, view sông thì trên 1 tỷ đồng/sào. Giá này ổn định từ đầu năm đến nay không biến động nhiều”.
Tại các xã vùng ven cách TP Đà Lạt 20-30km, hiện đất lập trang trại đang được rao bán với giá trên dưới 1 tỷ đồng/sào, nếu gần khu dân cư một chút thì khoảng 1,5 tỷ đồng/sào. Khi được hỏi về giá đất tại địa phương, anh Bảo (môi giới bất động sản) cười và nói: “Dịch bệnh bùng phát nhưng đất vẫn giữ giá để chờ kinh tế phục hồi”.
Từng có kinh nghiệm mua đất làm farmstay tại Lâm Đồng, anh Tạ Anh Tuấn (quận Phú Nhuận, TPHCM) cho rằng: “Có cảm giác đất tại Đà Lạt và vùng ven bị đẩy lên quá mức, rồi giữ nguyên chứ không hạ nhiệt”. Dù vậy, anh Tuấn nhận định thị trường đất vườn, đất trang trại tại Lâm Đồng vẫn có sức hút mãnh liệt đối với các nhà đầu tư và người dân có điều kiện đến đầu tư các loại hình homestay, farmstay hoặc đơn giản chỉ để “bỏ phố về rừng” nghỉ ngơi sau thời gian làm việc căng thẳng.
ĐOÀN KIÊN (SGGPO)