Chương trình diễn tập ứng cứu sự cố tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cho cơ quan báo chí có sự góp mặt của hơn 300 cán bộ kỹ thuật đến từ hơn 100 đơn vị báo chí, tạp chí điện tử.
Chương trình diễn tập với sự tham gia của hơn 100 cơ quan báo trong nước. Ảnh: VNCERT |
Ngày 30/11, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức chương trình diễn tập với chủ đề "Ứng cứu sự cố tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cho cơ quan báo chí."
Đây là chương trình diễn tập dành riêng cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật về an toàn, an ninh mạng đại diện cho các báo, tạp chí điện tử.
Ban tổ chức đã thiết kế lồng ghép giữa lý thuyết và tấn công mô phỏng cũng như cơ chế điều phối ứng cứu của VNCERT/CC cùng các ISP khi có tấn công xảy ra. Qua đó, giúp các đơn vị hiểu rõ hơn về tấn công DDoS cũng như hoạt động ứng cứu sự cố và vai trò điều phối của VNCERT/CC.
Cụ thể, diễn tập gồm 2 tình huống là thực hành mô phỏng tấn công khi tổ chức chưa có sự chuẩn bị tốt và tổ chức có sự chuẩn bị về hạ tầng và có sự tham gia hỗ trợ của VNCERT/CC để điều phối các ISP từ trước.
Phía VNCERT/CC cho hay diễn tập hướng tới mục tiêu đẩy mạnh hoạt động ứng cứu sự cố, tăng cường năng lực cho cán bộ, bộ phận chuyên trách ứng cứu tại các cơ quan báo chí; tạo kênh trao đổi, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo đảm an toàn, ứng cứu khi xảy ra sự cố; bổ sung kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của lực lượng kỹ thuật chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các cơ quan báo chí trong tình huống phòng, chống tấn công từ chối dịch vụ.
Sự kiện cũng sẽ giúp các cán bộ nắm chắc quy trình ứng cứu, xử lý sự cố tấn công mạng và cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan để có thể ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra
Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc, cả nước hiện có gần 250 báo, tạp chí điện tử trong tổng số hơn 800 cơ quan báo chí. Gần đây, cơ quan này đã đã chứng kiến nhiều vụ tấn công mạng nghiêm trọng sử dụng phương thức DDoS (tấn công từ chối dịch vụ) vào báo điện tử, khiến cho hệ thống bị ngừng trệ hoạt động.
"Các hệ thống của cơ quan báo chí nếu không được phòng vệ, ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố không chỉ gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan ngôn luận, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước mà còn ảnh hưởng tới nhu cầu tiếp nhận thông tin chính thống của người dân; tạo điều kiện cho nội dung xấu độc, không lành mạnh phát triển," ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.
Minh Sơn (Vietnam+)