Kinh tế

Hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn vay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai có 18 hợp tác xã (HTX) ngưng hoạt động. Một trong những nguyên nhân khiến các HTX ngưng hoạt động chính là không tiếp cận được nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thành lập năm 2014 với ngành nghề sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê, HTX Cà phê Tân Nông Nguyên (thị trấn Chư Sê) hiện có gần 150 thành viên. Đây là một trong những HTX hoạt động khá ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, HTX luôn phải đối mặt với khó khăn về nguồn vốn. Ông Nguyễn Đình Phú-thành viên HTX-cho biết: “Vì không có tài sản thế chấp nên chúng tôi không tiếp cận được nguồn vốn vay. Do vậy, hầu như năm nào chúng tôi cũng phải bán cà phê non để lấy vốn xoay vòng cho bà con nông dân”.

Tương tự, ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho rằng: “Hầu như HTX nào cũng không tiếp cận được nguồn vốn nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi kiến nghị cần có cơ chế đặc thù riêng để giúp cho các HTX, nhất là HTX vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Nếu không, HTX sẽ không thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi”.

Các sản phẩm của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) được trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Duy

Các sản phẩm của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) được trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Duy

Theo thông tin từ Liên minh HTX tỉnh, hiện tại, đơn vị có một số nguồn vốn để các HTX tiếp cận như nguồn vốn vay giải quyết việc làm 360 triệu đồng của Liên minh HTX Việt Nam giao cho Liên minh HTX tỉnh quản lý và sử dụng. Nguồn vốn này luân phiên cho các thành viên HTX vay bằng hình thức tín chấp thông qua ủy thác tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, mức vay 40-50 triệu đồng/thành viên (mức vay tối đa là 100 triệu đồng) để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh với lãi suất 7,92%/năm. Trong giai đoạn 2016-2022, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 6 lượt HTX vay vốn. Song với mức vay quá ít này thực sự khó để giúp cho các HTX giải quyết những khó khăn liên quan đến nguồn vốn.

Một nguồn vốn khác của Liên minh HTX tỉnh là từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam. Từ nguồn vốn này, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn 5 lượt HTX tiếp cận với số tiền hơn 11 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ phát triển sản xuất bằng hình thức thế chấp tài sản. Theo quy chế của quỹ này, mức cho vay là tối đa 80% vốn của dự án, thời hạn vay tối đa 5 năm, lãi suất 5,13%/năm. Đây là nguồn vốn không giới hạn, chỉ cần các HTX đủ điều kiện, Liên minh HTX tỉnh sẽ hướng dẫn đề xuất để được vay vốn. Hiện tại, Quỹ chỉ cho vay đầu tư tài sản cố định, chưa cho vay để bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, với yêu cầu phải có tài sản thế chấp nên rất ít HTX có thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Nếu tiếp tục không tiếp cận được nguồn vốn, chắc chắn số lượng HTX trên địa bàn tỉnh sẽ giảm dần. Đây là khẳng định của nhiều HTX trước tình trạng thiếu vốn cho đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh do không có tài sản thế chấp để vay vốn. Vấn đề này cũng được đề cập, kiến nghị nhiều lần tại các hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, HTX do tỉnh tổ chức.

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho biết: “Những kiến nghị này đã được Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh tổng hợp gửi lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 5897/NHNN-TD trả lời về việc tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn vay không đảm bảo bằng tài sản và được hưởng ưu đãi”.

Công văn số 5897/NHNN-TD nêu rõ: Về quy định cho vay không có tài sản bảo đảm, HTX, liên hiệp HTX được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm, trong đó, tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 2 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nhiều kiến nghị liên quan đến việc khó tiếp cận nguồn vốn được đưa ra tại Hội nghị gặp mặt các HTX thành viên năm 2023 do Liên minh HTX tỉnh tổ chức. Ảnh: Hà Duy

Nhiều kiến nghị liên quan đến việc khó tiếp cận nguồn vốn được đưa ra tại Hội nghị gặp mặt các HTX thành viên năm 2023 do Liên minh HTX tỉnh tổ chức. Ảnh: Hà Duy

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định: “Tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”; Điều 12 và khoản 2 Điều 15 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định “tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay”, “tổ chức tín dụng căn cứ vào phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng để thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay”.

Như vậy, việc cho vay không có tài sản bảo đảm cũng có thể thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật. Riêng về lãi suất cho vay, theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn do khách hàng và tổ chức tín dụng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ; tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh lưu ý: Để tiếp cận nguồn vốn vay không có tài sản đảm bảo với lãi suất phù hợp từ tổ chức tín dụng, các HTX cũng phải chứng minh được năng lực tài chính, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đồng thời minh bạch các báo cáo tài chính để khẳng định năng lực hoạt động của mình.

Có thể bạn quan tâm