Buôn Ma Thuột với hai mùa mưa nắng, vào những ngày mưa có cảm giác mọi thứ vùi mình yên ngủ, vì lẽ đó người dân hay gọi đùa là xứ sở “Buồn muôn thuở”.
Cây, trái cà phê ở Buôn Ma Thuột ẢNH: GIA KHIÊM |
Nhưng khi vào mùa khô, thì vùng đất ấy lại có cái nắng, cái gió đặc trưng của cao nguyên, gió như muốn thổi tung và cuốn theo mù mịt bụi đỏ nên người ta còn gọi là xứ “Bụi mù trời”.
Tôi yêu Buôn Ma Thuột vì đó là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn gắn bó với tôi thuở ấu thơ. Tôi yêu từng con dốc, những cội cây, yêu cơn mưa rào, yêu cái nắng chói chang oi ả những ngày hè, những cơn mưa dầm rả rích lầy lội của mùa ngâu êm ả. Buôn Ma Thuột thuở ấy miên man núi và rừng cây xanh um màu lá. Từ thị xã đến làng quê, nhà cửa nhuốm bụi thời gian bởi màu đất đỏ. Yêu những rừng cây, con ong con bướm với những loài hoa đủ sắc màu bừng nở vào những ngày tháng ba…
Buôn Ma Thuột, theo nghĩa của người Ê Đê là buôn làng của cha Thuột, có lẽ là một thành phố độc nhất của Việt Nam được mang tên của chính người tạo lập. Vì thế có rất nhiều câu chuyện mang tính huyền ảo phảng phất khói sương mỗi độ đông sang, như ánh lửa bập bùng cùng âm vang tiếng cồng chiêng mùa lễ hội của xứ này. Tây nguyên một thuở mênh mang đại ngàn gắn liền những phận người của những trường ca lãng mạn bậc nhất, một chàng Đam San cả gan yêu con gái của thần Mặt trời…
Vùng đất này được hình thành bởi những ngọn núi lửa từ ngàn xưa, nên đất ở đây là đất đỏ Bazan rất thích hợp trồng cây cà phê. Cây cà phê được trồng ở mọi nơi. Đi đâu trên đường ta cũng thường thấy rẫy cà phê với những hàng cây thẳng tắp đều nhau, vào những dịp hoa nở là một màu trắng tinh khôi đậm chất. Những buổi sớm, hơi sương giăng giăng tựa làn khói vờn quanh, đó là sương đang dan díu tự tình cùng gió trên những hoa tuyết để phôi thai những trái cà phê, cũng làm ta thấp thỏm sợ hư hao sắc màu trắng trinh nguyên đó. Mỗi khi chiều dần buông mặt trời ẩn hiện sau những ngọn đồi, ráng chiều trải dài trên nền đất đỏ tạo hiệu ứng không gian vàng nâu giọt mật, từng làn gió se lạnh khẽ đung đưa những bông tuyết trắng muốt như từng đợt sóng bạc đầu xô bờ, trong tiếng đập cánh của đàn ong hút mật vội vã trở về, làm ta có cảm giác lạc vào hoàng hôn kỳ ảo của xứ sở thần tiên trong câu chuyện cổ tích ngày xưa.
Trời Ban Mê cao lồng lộng biếc, nắng óng vàng phủ khắp rừng cây. Những ngày cuối tháng tư, khi lũ ve rỉ rả mọi nẻo đường Tây nguyên, đánh thức những cánh phượng đầu tiên lập lòe như lửa đỏ trong vòm lá trên nền trời xanh ngắt, báo hiệu mùa chia tay của lứa tuổi học trò; khi cơn mưa rào đầu mùa chợt đến chợt đi cũng là lúc những chú nhộng muồng thoát xác thành bướm bay dập dờn từng đàn, từng đàn chấp chới trong cái nắng oi nồng. Trời mưa Tây nguyên không mưa thì thôi, đã mưa thì phải mưa dầm dề rả rích suốt ngày lẫn đêm, khi con suối đầy ắp thì mưa mới ngưng nghỉ. Ông trời thương vùng đất đỏ này lắm, nên dân tứ xứ từ địa đầu Móng Cái đến tận Minh Hải, Cà Mau đều có mặt về đây lập nghiệp, từ cái thời vận động đi kinh tế mới, rồi trở thành quê hương của biết bao người, với những giọng nói cũng như tập tục vùng miền khác nhau, càng làm cho Tây nguyên thêm nhiều màu sắc. Như những làn gió ngát thơm mang hương hoa cà phê thoang thoảng, để thấy đất trời Tây nguyên khoáng đạt mênh mang…
Thuở bé, cũng như bao đứa trẻ khác, tôi dần quen với mùi hương của hạt cà phê khi rang trong mỗi gia đình, hương cà phê thấm đẫm mọi vật hay phảng phất trong làn gió từ xóm bên loang sang. Thử hình dung một khách lạ lần đầu đến vùng đất này, có lẽ hương cà phê khi rang là nguy cơ làm nghẹt mũi mất thôi. Ấy vậy mà khi đã quen người ta sẽ đâm nghiện từ lúc nào chẳng hay.
Giờ đây, sau những rộng dài ngang dọc của đường đời, chạm vào bao nhiêu mùi vị trong thiên hạ, tôi vẫn cứ hoài nhớ hương cà phê thuở ấy, hương cà phê đặc trưng với lãnh địa riêng của vùng đất Buôn Ma Thuột, chính điều ấy làm gợi nên bao nỗi niềm của kẻ ly hương trong tôi.
Theo Thanh Niên