Chính trị

Tin tức

Văn bản

Hướng dẫn các biện pháp phòng-chống dịch cúm gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút cúm A thuộc nhóm Orthomyxoviridae, cấu tạo bởi sợi ARN đường kính 80-120 nm, với vỏ bọc glycoprotein bao gồm 9 loại men (enzym) Neuraminidase (N) và 16 loại yếu tố ngưng kết hồng cầu Haemagglutinin (H). Nhìn chung các vi rút cúm typ A là tác nhân gây bệnh chung cho cả người và động vật; vi rút gây bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao chủ yếu là loại H5, H7, H9, trong đó các chủng vi rút H5N1, H7H7, H7N3, H7N9, hiện nay có cả H10N8 làm cho con người mắc bệnh nặng hoặc có thể chết.

Bệnh cúm gia cầm có thể lây truyền trực tiếp giữa con mắc bệnh và con khỏe, cũng có thể truyền gián tiếp thông qua không khí, gió đưa bụi phân có chứa vi rút đi xa, dụng cụ chăn nuôi, nước uống, phân rác, tay chân, giày dép của người có tiếp xúc gia cầm mắc bệnh và vô tình truyền mầm bệnh đi nơi khác. Chim di trú cũng có vai trò quan trọng trong việc làm lây lan mầm bệnh. Các nghiên cứu về cấu trúc gen cho thấy vi rút cúm đã chuyển trực tiếp từ gia cầm sang người. Sự  tiếp xúc trực tiếp với các gia cầm nhiễm vi rút còn sống là nguyên nhân dẫn đến nhiễm bệnh cúm gia cầm ở người.

 

 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên cả nước đang có diễn biến phức tạp, tính đến ngày 5-3-2014 cả nước có 69 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên 23 tỉnh, thành phố. Theo kết quả kiểm tra, giám sát sự lưu hành vi rút cúm A/H5N1 của Cục Thú y, vi rút cúm gia cầm có ở khắp 3 miền: Bắc, Trung, Nam; qua việc lấy mẫu ngẫu nhiên, có đến 6% thủy cầm và 61% các chợ có bán gia cầm  được xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A/H5N1.

Trên địa bàn tỉnh ta, bệnh cúm A/H5N1 đã xuất hiện ở đàn gia cầm: vào tháng 1-2014 tại Ia Grai, tháng 2-2014 tại Đak Pơ, tháng 3 tại Pleiku.

Trước tình trạng hiện nay, do việc quy hoạch khu vực nuôi, bố trí đối tượng nuôi chưa hợp lý, việc chăm sóc nuôi dưỡng chưa đảm bảo; các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi rất phức tạp, khó kiểm soát… nên nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra trên diện rộng là rất lớn.

Xuất phát từ thực tế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn và chính quyền cơ sở tổ chức hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện tốt một số biện pháp, cụ thể như sau:

Công tác phòng dịch:

Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng-chống dịch cúm gia cầm cấp huyện và cấp xã; phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, hóa chất, vật tư, tài chính phục vụ công tác chống dịch.

Tổ chức điều tra ổ dịch và tăng cường giám sát, phát hiện sớm khi dịch còn ở diện hẹp để nhanh chóng bao vây, dập tắt không để dịch lây lan rộng.

Giao trách nhiệm giám sát dịch cho chính quyền và Ban chỉ đạo chống dịch cơ sở, nơi nào phát hiện dịch chậm và để lây lan rộng thì cấp chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Trưởng thôn, làng, tổ dân phố chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; cùng các tổ chức đoàn thể quần chúng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể khác) vận động nhân dân giám sát và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Mỗi thôn, làng, tổ dân phố tổ chức lại việc ký cam kết với các hộ chăn nuôi thực hiện “6 không”:

 

* Không thả rông gia cầm;
* Không mua, bán gia cầm bị bệnh;
* Không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc;
* không ăn tiết canh gia cầm;
* Không giấu dịch;
* Không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Ở mỗi thôn, làng phải thông báo địa điểm, địa chỉ của những người có trách nhiệm (người thường trực về cúm gia cầm ở thôn) để tiếp nhận thông tin của nhân dân về dịch bệnh.
    
Thực hiện nghiêm túc công tác khử trùng, tiêu độc định kỳ môi trường, chuồng trại chăn nuôi gia cầm bằng các hóa chất chuyên dùng (dung dịch Cloramin B 3%, Benkocid 0,2%…); đối với cơ sở chăn nuôi tập trung, mỗi tuần/lần; hộ gia đình 10-15 ngày/lần. Trước  mắt chấp hành tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng từ ngày 25-2 đến ngày 25-3-2014.

Cần xem công tác giáo dục ý thức cộng đồng về phòng-chống cúm gia cầm và cúm A(H5N1), A(H7N9) ở người vừa cấp bách, vừa lâu dài. Vì vậy cần được thực hiện liên tục với mọi hình thức tuyên truyền có thể.

Kiểm tra và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước; trước mắt kiểm tra và xử lý vi phạm các quy định của UBND tỉnh tại Công điện số: 11/CĐ-UBND ngày 28-2-2014; trong đó đặc biệt chú ý đến quy định về việc tạm dừng nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm từ tỉnh khác vào tỉnh và từ huyện, thị xã, thành phố này sang huyện, thị xã khác; tạm dừng việc bán gia cầm sống tại các chợ, Trung tâm Thương mại.

Cấm vận chuyển và buôn bán chim cảnh, chim hoang dã vào nội thành, nội thị; khi phát hiện thấy chim bị bệnh, chết phải báo ngay cho cơ quan thú y; không nuôi chim cảnh ở nơi công cộng, nơi có đông người qua lại hoặc tụ tập;

Giám sát dịch bệnh: Giám sát chặt chẽ đàn gia cầm, thủy cầm, chim cút:

Ban chỉ đạo phòng-chống dịch xã, phường, thị trấn chỉ đạo các trưởng thôn, làng, tổ trưởng tổ dân phố cùng với nhân viên Thú y tổ chức kiểm tra hàng ngày đối với các hộ chăn nuôi do mình quản lý (chăn nuôi hộ gia đình).

Chi cục Thú y, Trạm Thú y cấp huyện phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra hàng ngày đối với Trang trại, gia trại; Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo quy định chuyên môn.

Nội dung kiểm tra gồm: Số gia cầm ốm chết do mọi nguyên nhân, tỷ lệ đẻ, tỷ lệ ấp nở, mức tiêu thụ thức ăn, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng và các yếu tố khác liên quan đến sức khỏe gia cầm.

Công tác chống dịch: Thực hiện triệt để các biện pháp đã ban hành, đặc biệt chú ý phát hiện nhanh, tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh, tiêu độc khử trùng tại điểm có dịch và vùng phụ cận, phong tỏa vùng có dịch. Cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhằm xác định virus cúm gia cầm.

Trong việc tiêu hủy gia cầm, nếu dịch xảy ra tại một hộ và nếu các hộ xung quanh nuôi nhốt thì chỉ tiêu hủy đàn gia cầm của hộ bị dịch. Nếu các hộ nuôi thả rông thì tiêu hủy toàn bộ gia cầm của các hộ xung quanh. Khi dịch xảy ra tại hai điểm khác nhau trở lên trong thôn nuôi gia cầm thả rông thì tiêu hủy toàn bộ gia cầm trong thôn.

Tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường trong vòng bán kính 3 km từ điểm có dịch 2 lần/1 tuần liên tiếp trong 3 tuần; phun thuốc khử trùng các phương tiện ra vào khu vực có dịch;

Xử lý ổ dịch cúm gia cầm: Cách ly triệt để khu vực có dịch, tuyệt đối không đưa gia cầm mắc bệnh, đã nhiễm bệnh hoặc đã tiếp xúc với gà mắc bệnh ra ngoài ổ dịch.

Người không có nhiệm vụ nhất thiết không được đi vào ổ dịch. Những người hoặc phương tiện vào ổ dịch, trước khi ra khỏ ổ dịch phải được tẩy trùng kỹ nhằm ngăn chặn đưa mầm bệnh ra ngoài.

Không bán chạy, phân tán gia cầm ra khỏi vùng dịch. Không mổ thịt gia cầm mắc bệnh để ăn hoặc vứt bừa bãi xác gia cầm chết. Toàn bộ gia cầm trong ổ dịch phải được thu gom, tiêu hủy, bao gồm: số gia cầm chết, đã có tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, gia cầm bán chạy thu giữ được.

Cách tiêu hủy gia cầm: theo 2 cách

Cách chôn: Dùng bao nylon lớn cho gà vào cột chặt miệng bao, phun thuốc sát trùng và chở đến nơi tiêu hủy. Đào hố sâu 2,5-3 mét, chiều dài và chiều rộng tùy theo số lượng gia cầm cần hủy, trải 1 lớp nylon trên toàn bộ bề mặt đáy và thành hố, đổ xác gia cầm xuống. Trước khi đổ, dùng dao rạch cho rách bao chứa gia cầm để dễ phân hủy. Phun thuốc sát trùng hoặc đổ vôi bột lên bề mặt lớp gia cầm và lấp đất. Khoảng cách từ mặt trên lớp gia cầm đến mặt đất tối thiểu 1-1,5 mét, nện đất trên bề mặt thật chặt.

Cách đốt: Đốt xác gia cầm dưới hố bằng củi, than, xăng, dầu, sau đó lấp đất lại, nện chặt như cách chôn và tiến hành tiêu độc.

Địa điểm chôn gia cầm phải ở xa khu dân cư, trường học, bệnh viện, đường giao thông và nguồn nước sinh hoạt.

Sau khi tiêu hủy, thường xuyên kiểm tra và bảo vệ hố chôn lấp, tránh các loại thú hoang hoặc chó mèo đào bới làm phát tán mầm bệnh.

Đối với phân, rác, chất thải rắn, thức ăn thừa và vật dụng rẻ tiền: nếu số lượng ít thì thu gom đốt ngay trên nền chuồng. Số lượng nhiều thì mang chôn trong hố sâu cách mặt đất từ 0,5-1 mét, phun thuốc sát trùng, dùng đất phủ kín bề mặt hố chôn và nén chặt.

Khu vực xung quanh chuồng nuôi phải được phát quang, sau đó phun thuốc sát trùng.

Tiêu độc tại khu vực có dịch: đối với hóa chất Benkocid tiêu độc ngày 1-2 lần liên tục trong 3-5 ngày. Sau đó  tiêu độc định kỳ mỗi tuần 1 lần.

Chi cục Thú y có trách nhiệm tập hợp nhu cầu, thực hiện việc cung ứng, kiểm tra, hướng dẫn và theo dõi tình hình sử dụng vật tư, hoá chất cho việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; đồng thời đề xuất kế hoạch mua sắm, bảo đảm phục vụ đầy đủ nhu cầu phòng chống dịch trong từng thời kỳ.

Thông tin, báo cáo dịch bệnh cúm gia cầm: Thực hiện theo đúng quy định tại thông tư số 53/2013/TT-BNNPTNT ngày 12-12-2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quy định báo cáo dịch bệnh trên cạn; trong đó cần chú ý:

Đối với hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, hành nghề thú y báo cáo cho nhân viên thú y xã (hoặc thường trực cúm gia cầm tại thôn, xã) để báo với Trạm thú y cấp huyện xuống kiểm tra xử lý;

Đối với Cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung báo cáo cho Trạm Thú y, Phòng Nông nghiệp và PTNT cấp huyện;

Người phụ trách thú y xã: Báo cáo cho UBND cấp xã, đồng thời báo cáo Trạm thú y cấp huyện.

Có thể bạn quan tâm