Du lịch

Hành trang lữ hành

Hướng dẫn viên du lịch làm gì để mưu sinh giữa ''cơn bão COVID-19''?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Du lịch "đóng băng," nhiều doanh nghiệp phá sản, kéo theo lực lượng không nhỏ hướng dẫn viên lâm cảnh thất nghiệp. Để mưu sinh, họ phải lao vào làm những công việc ngoài chuyên môn...
Trung tuần tháng Ba vẫn thấy Thành Trung vi vu, đưa đoàn nghệ nhân của Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam sang thăm quan Ấn Độ và tham gia Đại hội nhạc Thánh ở đất nước tỷ dân. Nhưng ngay sau chuyến đi này trở về, mọi chuyện đã khác. Đó là thời điểm cả ngành du lịch Việt và thế giới “đóng băng” theo hiệu ứng domino.
Công ty buộc phải đóng cửa, Trung khởi đầu ngày mới không phải bằng chiếc balo quen thuộc để bắt đầu một chuyến đi đến miền đất mới nào đó như mọi khi mà bằng tiếng khóc của cậu con trai 3 tháng tuổi. Thay bỉm, pha sữa, trông con, giặt quần áo… là điệp khúc của chàng hướng dẫn viên 36 tuổi giữa “cơn bão COVID-19.”
Và lúc này, không chỉ Trung mà hàng chục nghìn hướng dẫn viên du lịch trên cả nước đang lâm cảnh “khóc dở mếu dở.”
Bớt ăn, giảm tiêu, dành thời gian chăm con…
Trước đó, tháng Hai, mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã “nóng rực” ở Trung Quốc nhưng vẫn còn thấy Thành Trung khoe những hình ảnh đầy lạc quan khi dẫn khách đi tour nước ngoài.
Nhật ký ngày 15/3 của Trung “check-in” tại Taj Hotel & Convention Centre, ở Panjim, thủ phủ bang Goa, Ấn Độ: “Tạm biệt Goa với bao kỷ niệm đẹp về những con đường ven biển tràn ngập gió và nắng vàng, những nhà thờ xưa cổ kính với nhiều thăng trầm lịch sử, những pháo đài đầy ắp những chiến công lừng lẫy. Sẽ nhớ lắm những ngôi nhà nhiều màu sắc, những món ăn ngon vãi linh hồn…"
“Thật tuyệt vời vì chuyến đi này cũng góp phần cùng mọi người trong việc quảng bá đạo Mẫu của Việt Nam ra với thế giới, để những bài ca vang lên trên mảnh đất thánh này.”
Tour đưa các nghệ nhân Việt Nam sang Ấn Độ quảng bá văn hóa Việt do Thành Trung dẫn đoàn hồi tháng Ba vừa qua. (Ảnh: NVCC/Vietnam+)
Tour đưa các nghệ nhân Việt Nam sang Ấn Độ quảng bá văn hóa Việt do Thành Trung dẫn đoàn hồi tháng Ba vừa qua. (Ảnh: NVCC/Vietnam+)
Chuyến đi kéo dài từ ngày 10-18/3, Trung đưa đoàn nghệ nhân 7 thành viên (danh sách ban đầu là 22 nhưng sau dịch COVID-19 bùng phát nên 15 người hủy) của Câu lạc bộ Đạo Mẫu Việt Nam sang Ấn Độ, vừa là để thăm quan vừa tham gia Đại hội nhạc Thánh giới thiệu loại hình hát diễn xướng Chầu văn trong Đạo Mẫu của Việt Nam.
Mới đầy hân hoan là thế mà sau chuyến đi, Trung và các cộng sự của mình đã phải ngậm ngùi nghỉ việc ở nhà. Tất cả các tour đi Hàn Quốc, Ấn Độ, hay châu Âu… của công ty đành gác lại vô thời hạn.
“Mặc dù công ty vẫn hỗ trợ lương nhưng để mưu sinh nhưng đồng nghiệp cùng văn phòng tôi chuyển sang bán hàng online cả. Người bán các đặc sản địa phương, người thì buôn hàng xách tay vì mặc dù hàng không không chở người nhưng vẫn chở hàng. Tôi không có việc làm nhưng hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng tiền mua nhà. Tình hình khó khăn chung nhưng chúng tôi hy vọng sau đợt Hè, dịch bệnh có thể bị đẩy lùi để cuộc sống bình thường lại tiếp tục, hướng dẫn viên như tôi được trở về với công việc,” Thành Trung nói.
Cuộc trò chuyện qua điện thoại với Trung thi thoảng lại có tiếng trẻ con khóc xen vào. Anh bảo, giờ ở nhà mỗi ngày cố gắng ăn bớt đi, giảm chi tiêu và tăng cường “tập thể dục” bằng việc chăm con nhỏ. Đây cũng làm quãng thời gian anh muốn bù đắp lại cho vợ con những chuỗi ngày đằng đẵng đi hướng dẫn của mình.
Khi hướng dẫn viên Thành Trung thất nghiệp ở nhà trở thành ông bố bỉm sữa. (Ảnh: NVCC/Vietnam+)
Khi hướng dẫn viên Thành Trung thất nghiệp ở nhà trở thành ông bố bỉm sữa. (Ảnh: NVCC/Vietnam+)
Hướng dẫn viên chuyển nghề đa năng
Không may mắn như Trung, Trần Tuấn (29 tuổi, Hà Nội), hướng dẫn viên tiếng Hàn nằm trong số 80% nhân sự bị cắt giảm của công ty. Tuấn cho biết, nơi cậu làm việc doanh thu âm liên tục từ đầu năm. Sếp cậu đã phải trăn trở rất nhiều trước khi đặt bút ký cho nhân viên nghỉ việc, số còn lại luân phiên đi làm để có lương cơ bản.
“Trước Tết, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, chúng tôi vẫn hy vọng vào các thị trường gần như Hàn Quốc, Nhật Bản và xa là các nước châu Âu. Nhưng sau đó, khi dịch bệnh lan khắp thế giới, đường bay quốc tế giữa các nước lần lượt bị đóng cửa, du lịch liên tục hủy tour, nên hướng dẫn viên du lịch như tôi thất nghiệp hàng loạt,” Tuấn chia sẻ.
Tuấn thở dài bảo nhiều đồng nghiệp của cậu phải xoay sang chạy grab giao hàng, người khéo tay thì nấu ăn bán online, bản thân cậu phải trông studio cho chị, thậm chí Giám đốc của cậu giờ cũng phải làm cả công việc bán thực phẩm chức năng để thêm thu nhập...
“Chứng kiến cảnh cả làng du lịch lao đao lao dốc như bây giờ là tình huống chưa bao giờ tôi có thể tưởng tượng ra,” Tuấn lắc đầu ngán ngẩm.
Giám đốc một công ty lữ hành ở Hà Nội cho biết từ nay đến hết tháng Chín các tour du lịch nước ngoài của đơn vị này đã bị hủy toàn bộ, các tour nội địa khách cũng hủy đến hết tháng Bảy.
Vì thế công ty này đã phải cắt giảm đến 90% nhân sự, 10% còn lại chấp nhận mức hỗ trợ 50% lương cơ bản, chia ca đi làm cách nhật trong tháng. “Mấy tháng qua doanh thu liên tục âm, hiện công ty còn đang phải chịu lỗ hàng chục tỷ đồng. Chúng tôi không biết liệu có thể cầm cự thêm được bao lâu,” vị Giám đốc nói.
Có lẽ phải một thời gian dài nữa những tà áo dài Việt Nam mới lại có thể xuất hiện ở các điểm du lịch trên thế giới như này. (Ảnh: NVCC/Vietnam+)
Có lẽ phải một thời gian dài nữa những tà áo dài Việt Nam mới lại có thể xuất hiện ở các điểm du lịch trên thế giới như này. (Ảnh: NVCC/Vietnam+)
Trong bối cảnh này, không chỉ lực lượng hướng dẫn viên phải lao đi làm những công việc ngoài chuyên môn mà ngay cả đội ngũ quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch cũng nháo nhác tìm đường mưu sinh giữa đại dịch COVID-19.
Nhưng dẫu vậy, người được hỏi đều khẳng định họ vẫn sẽ trở lại với nghề khi đại dịch qua đi bằng cách này hay cách khác, bởi sau cơn mưa trời lại sáng.
Mai Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm