Thời sự - Bình luận

Hướng đến công nghiệp thể thao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 31-1-2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới thể hiện sự quan tâm và cả kỳ vọng rất lớn của Đảng và Nhà nước dành cho sự nghiệp thể thao nước nhà.

Có thể ví đây là “chiếc chìa khóa vạn năng” cho thể thao Việt Nam trên con đường chinh phục những đỉnh cao như Olympic, Asiad.

Một trong những nội dung lớn đề cập trong kết luận là vấn đề kinh tế thể thao. Kết luận nêu rõ, phát triển thị trường thể thao thúc đẩy hợp tác công - tư khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo VĐV, HLV, trọng tài và cung cấp các dịch vụ thể dục, thể thao.

Bằng các cơ chế, giải pháp ở tầm vĩ mô, thể thao hướng đến trở thành một ngành công nghiệp dựa trên khả năng vận hành lĩnh vực cốt lõi là kinh tế, khai thác thương mại, tạo ra dòng tiền để xây dựng sức bật cho mình và đóng góp vào sự phát triển chung một cách thiết thực, không chỉ bằng các chiến thắng trên sàn đấu.

Kinh tế thể thao là vấn đề lớn. Không chỉ là đóng góp vào GDP của đất nước, mà còn giúp thể thao phát triển vững bền hơn, nhưng đây là thách thức đặc biệt khó đối với ngành thể thao. Cho đến nay, kinh tế thể thao tại Việt Nam chỉ mới dừng ở mức tiếp cận với chưa đến 3 cuộc hội thảo, tọa đàm để làm rõ các nội hàm của lĩnh vực vốn đã quen thuộc ở các quốc gia có nền thể thao tiên tiến. Hơn nữa, kinh tế thể thao tại Việt Nam còn nhiều khó khăn về kinh phí và vướng mắc tồn tại trong cơ chế phối hợp hoạt động giữa thể thao với các bộ ngành liên quan.

Kết luận số 70-KL/TW đã mở lối cho ngành thể thao để tìm kiếm những “con cá” lớn thông qua các cơ chế hợp tác, đầu tư mà trước đây luôn cần có sự liên thông giữa các bộ ngành cũng như văn bản pháp quy. Công nghiệp thể thao chính là đích ngắm của ngành thể thao; đồng thời cũng là mục tiêu đã được Bộ VH-TT-DL hoạch định bằng các chiến lược (tổ chức sự kiện thể thao, kết hợp thể thao - du lịch, hợp tác công - tư, bản quyền thương hiệu, dịch vụ thể thao…) trong giai đoạn 2030-2045.

Đến hiện tại, ngành thể thao đã chú trọng nhiều cho việc phát triển du lịch - thể thao. Nổi bật là tận dụng sự phát triển mạnh của môn golf. Có điều, số lượng sân golf vẫn còn khá hạn chế, tương đối ít so trước quy mô và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Thị trường này cần được quan tâm đầu tư về chính sách du lịch kỳ nghỉ - golf - sự kiện thi đấu quốc tế. Xổ số thể thao, đặt cược thể thao cũng được xem là thị trường có sức hút mạnh và rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế thể thao, nhưng hiện vẫn chưa đủ hành lang pháp lý lẫn cách thức quản lý tốt để tránh thất thoát về lợi nhuận, nên hiện vẫn chỉ dừng lại việc triển khai mang tính thí điểm.

Để hình thành công nghiệp thể thao chắc chắn phải mất nhiều thời gian và cũng cần có độ trễ nhất định do phụ thuộc vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, nhưng thể thao Việt Nam cũng không thể chậm chân hơn nữa. Theo đó, cần nghiên cứu, chọn lựa từng môn thể thao, từng địa phương, hay các phân kỳ thời gian cụ thể đưa “công nghiệp thể thao” từ khái niệm trở thành các hoạt động thực tiễn, đi vào cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm