Với ý tưởng xây dựng một mô hình trồng tiêu bền vững, ổn định về năng suất, ít bệnh tật và tiết kiệm chi phí, Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam- Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên đã cùng các cộng sự tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP tại Gia Lai”. Mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM)- một trong những kết quả chính của đề tài, đã mở ra hướng đi mới cho cây hồ tiêu trước tình hình chi phí sản xuất, các loại dịch bệnh ngày càng gia tăng.
Ảnh: K.N.B |
Mô hình ICM được triển khai ứng dụng tại địa bàn các huyện: Đak Đoa, Chư Sê và Chư Prông. Mô hình đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật, như: Quản lý nước tưới bằng cách lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, trung bình 120 lít/gốc/lần, chu kỳ 25 ngày và sử dụng rơm tủ gốc 10 kg rơm/trụ/năm. Quản lý dinh dưỡng (INM) theo quy trình WASI: Bón trung bình 1,5 kg NPK 16-8-16 Bình Điền, phân chuồng 15 kg và phân bón lá 4 đợt/năm. Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đối với một số bệnh nguy hiểm trên cây tiêu... Ngoài ra mô hình còn áp dụng một số biện pháp kỹ thuật quản lý vệ sinh đồng ruộng bằng cách làm cỏ, cắt cành gốc, rong tỉa trụ sống và các biện pháp trồng cây che bóng, cây che phủ đất… Kết quả, các mô hình đã giúp tiết kiệm hơn 25% lượng nước tưới, gần 30% lượng phân bón và gần 18% chi phí đầu vào, giúp tăng thêm tổng lợi nhuận từ 12 triệu đồng/ha/năm đến hơn 22 triệu đồng/ha/năm.
Những năm qua, hồ tiêu Gia Lai luôn phát triển về diện tích và sản lượng, đặc biệt trước sức hấp dẫn của giá hồ tiêu liên tục tăng, khiến người dân đổ xô vào trồng tiêu. Vấn đề làm sao giữ được năng suất vườn tiêu được ổn định, hạn chế được các loại sâu bệnh hại nguy hiểm, đảm bảo hiệu quả sản xuất cao nhất vẫn luôn là mối quan tâm, lo ngại của người trồng tiêu. “Sự thành công của mô hình ICM đã có thể mở ra hướng phát triển mới cho cây hồ tiêu, giúp bà con nông dân giảm bớt nỗi lo sâu bệnh, chi phí đội giá và tăng thêm hiệu quả kinh tế”-Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam, khẳng định.