(GLO)- Xã Ayun nằm ven thượng nguồn dòng Ayun hùng vĩ, cách trung tâm thị trấn Chư Sê, Gia Lai chừng 15 km về hướng Đông. Trên con đường gập ghềnh đá sỏi, chúng tôi băng qua đèo Tung Ke, đi sâu vào những ngôi làng nhỏ nằm cheo leo trong thung sâu, vẫn không thấy mảy may chút bụi bặm dẫu đang là mùa khô Tây Nguyên. Vẻ đẹp thơ mộng của từng cảnh sắc nơi đây khiến cho người ta quên rằng mình đang đến thăm một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê.
Về buôn làng Ayun, thấy nắng gió dãi dầu trên hàng rào gỗ kéo dài bất tận. Thích thú làm sao khi được thong dong giữa những con đường làng dẫn ra đồng, giữa tít tắp 2 dãy hàng rào được đan từ hàng trăm cây củi gỗ mốc thếch bạc màu, ôm lấy cánh đồng rạ mênh mông. Lặng nghe tóc mình tung vào gió mơn man, nghe lòng mình thổn thức những điều chưa nói. Khoan khoái hít hà cho kỳ hết cái thơm thảo của đồng, của gỗ, cho căng tràn lồng ngực. Đó cũng là một cách bộc bạch với đất trời.
Khung cảnh thơ mộng của cánh đồng xã Ayun sau mùa gặt. Ảnh: Phạm Quý |
Có chút nuối tiếc vì vụ mùa đã qua, lúa chín không còn trải vàng những khung cảnh thần tiên lên mặt đất, nhưng ngay cả khi lộc trời đã được gặt, cánh đồng rạ nơi đây dường như vẫn ánh lên màu của sự sống ấm no. Hương rơm rạ nồng tỏa trong đất cát. Thì ra, bà con hong rơm rạ dọc khắp đường làng, dự trữ để ủ ấm chuồng trại. Nghe đến rạ, hẳn nhiều người vẫn nghĩ đến cái xác xơ, trơ trọi, nhưng chẳng hiểu vì sao miền đất này lại đều tăm tắp những chỏm rạ phơi mình không mệt mỏi giữa đất trời. Ánh nắng dịu nhẹ tầm 8 giờ sáng làm cho cánh đồng nhuốm lên sắc vàng tinh tươm, ấm áp. Giữa chốn núi non trùng điệp, cảnh sắc ấy hòa hợp đến lạ thường. Đứng giữa đồng mà ngước mắt háo hức nhìn ra tứ bề, ngắm cho tường tận vẻ đẹp nguyên sơ của khoảng trời ẩn chứa dấu vết thời gian, bỗng níu nhẹ lòng sợ đánh rơi mất thứ cảm xúc tinh khôi ấy. Những chòi canh thấp thoáng giữa đồng cho ta một điểm dừng chân để ngồi tư lự với thinh không, cứ ngỡ mình là một gốc rạ khát khao được hồi sinh, được trỗi dậy những hạt thóc căng mẩy, thơm lừng hương sữa.
Trội lên giữa hàng ngàn gốc rạ là vài cây “cô đơn” mọc cách xa nhau. Chẳng thể nào gọi tên cho từng loài cây ở nơi này. Cũng có thể vì mủi lòng trước bóng dáng sừng sững, đơn lẻ của chúng trong một khoảnh đất trống trải đến bạt ngàn mà người dân đặt ra cái tên đầy ấn tượng như vậy. Có cây còn xanh nõn, có cây đã trơ khấc lá cành. Nhìn cảnh tượng ấy, có người đã ngỡ như mình đang lạc giữa thảm rừng của mùa đông châu Âu. Tầm này cũng rất hợp cho hoạt động dã ngoại. Bóng cây này sẽ trở thành nơi vô cùng lý thú để dựng trại vào ban sớm hoặc lúc chiều muộn.
Trước khi quay về, chúng tôi dừng chân tại ngôi làng DLâm, bắt lấy vài khoảnh khắc đẹp của buôn làng. Ở một số nhà, củi đã chất đầy gầm sàn. Thức quà trong sân nhà là nhánh chùm ruột, nhánh táo rừng đang mùa trĩu quả, vị chua giòn của chúng được thưởng thức kèm với vị mặn nồng của chút muối ớt giã ngay tại bếp của người Jrai thì không gì hấp dẫn bằng, vui say bằng.
Chia tay Ayun, trở lại những cung đường tất bật cộ xe, chúng tôi mang theo niềm quyến luyến với hương rạ về phố. Hành trang lại đong đầy niềm vui sống nhờ chuyến trải nghiệm thực tế đầy lý thú. Và để thấy rằng: suốt dọc miền đất Gia Lai thương nhớ, nơi đâu ta cũng có thể tìm được một góc lữ hành lý tưởng, trong miên man xúc cảm.
Lữ Hồng