TN - Đất & Người

Hương sắc B'Lao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thiên nhiên ban tặng xứ B’Lao xưa, nay là TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Ðồng) khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp để phát triển cây chè và ngành dâu tằm. Hương trời nhụy đất kết tinh làm nên thương hiệu Trà B’Lao và Tơ lụa Bảo Lộc. Giờ đây, miền đất B’Lao huyền thoại, hương trà - sắc tơ đang sóng sánh, cùng những bàn tay tài hoa “dệt” nên ước vọng vươn xa.
 
Ðồi chè Bảo Lộc. Ảnh: Mai Văn Bảo
Hương trà
Từ đỉnh Sapung nhìn xuống, phố thị Bảo Lộc lấp loáng sắc mầu. Suối lớn Ðại Bình quanh co dưới chân đồi, mang dòng nước mát lành tưới tắm các đồi chè, nương dâu. Nét trầm mặc xứ Mạ B’Lao xưa đã thay bằng nhịp điệu phố, nhịp điệu những cung tơ dệt sắc mầu. Giờ đây, bên ấm trà đặc sánh, những người già xứ Mạ dưới chân Sapung vẫn thường kể cho con cháu nghe huyền tích về vùng đất B’Lao. Xưa, người Mạ sinh sống ở khu vực rừng núi thượng nguồn sông Ðạ Dờng.
Và người Mạ quần tụ quanh núi Sapung đến suối Ðạ M’ri tự gọi là Mạ B’Lao. Thung thăng miền trà vùng đất ba-dan này, tôi chưa thể tỏ nghĩa B’Lao, bởi người ta vẫn gọi B’Lao bằng nhiều cái tên: là đám mây thấp, rẫy lúa sau mùa gặt, là rừng trống, hay cái bàu nước… Với tôi, tự thân B’Lao đã như một nốt nhạc, khi siêu nước pha trà ùng ục sôi.
Tôi vẫn quen gọi B’Lao hơn Bảo Lộc, bởi mê đắm hương rạ sau mùa gặt, hay “đám mây la đà” trên đỉnh Sapung. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, B’Lao đã đổi thay. Và Bảo Lộc hôm nay như cô gái miền sơn cước tuổi dậy thì. Mỗi sớm mai thức giấc, hơi ấm tách trà xanh ướp hương hoa sói, hoa nhài thơm ngào ngạt giữa sáng tinh khôi, khiến lòng lữ khách bâng khuâng.
Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp đã chọn vùng đất nam Tây Nguyên để gieo những mầm chè, tạo nên hương vị trà đậm chất xứ đất đỏ ba-dan. Khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng cao nguyên này rất thuận lợi để cây chè đâm chồi, nảy lộc. Nghiệp trà ở Lâm Ðồng khởi nguồn từ những thập niên đầu thế kỷ trước, và gắn bó với người dân ở vùng đất này đến mãi hôm nay. Trải qua biết bao thăng trầm, giờ đây, luồng sinh khí mới đã thổi vào xứ trà trên vùng đất B’Lao. Tôi đã từng được thưởng thức danh trà Trâm Anh và nghe ông chủ Hùng Anh kể chuyện nghiệp trà. B’Lao trong ký ức tuổi thơ ông là những đồi chè điệp trùng, tít tắp từ chân đèo Bảo Lộc đến huyện Di Linh (Lâm Ðồng). “Khi gia đình giỗ chạp, sum vầy, hay lễ, Tết… không thể thiếu những gói trà B’Lao thơm nồng dâng kính bàn thờ tổ tiên và rồi mọi người quây quần thưởng thức, tâm sự quanh bàn trà. Ngày bé thơ, tôi được theo chân ông ngoại lên những đồi chè, nhấp từng ngụm trà hương ngọt hậu rồi mê đắm”, ông Hùng Anh chia sẻ. Ðến nay, gia đình ông đã có bốn đời keo sơn với nghiệp trà trên xứ B’Lao. Từ thương hiệu Chín Phương của ông ngoại, đến Vạn Xuân của cha và nay con gái ông tiếp nối nghiệp trà và tiếp tục “vun vén” thương hiệu Trâm Anh.
Bảo Lộc đánh thức tôi mỗi lần ngang qua phố bởi mùi hương dìu dịu, gần gũi của trà B’Lao. Nhiều người gắn bó với xứ này từ mấy mươi năm trước, kể rằng, để có dãy phố trà tựa bối cảnh phim, với những danh trà lẫy lừng ngày nay ở Bảo Lộc, là một quá trình thủy chung của hương đất, tình người. Trong những chuyến ngược xuôi xứ trà, tôi được chuyện trò cùng “bà chúa trà hương” Ðỗ Thị Ngọc Sâm, chủ danh trà Ðỗ Hữu, được coi là người “sáng chế” ra sản phẩm trà hương đầu tiên ở B’Lao cách đây hơn nửa thế kỷ. Bà kể, năm 1950, bà từ Huế vào xứ B’Lao lập nghiệp. Ban đầu, bà làm phu tại các đồn điền chè của người Pháp. Sau đó, khi những vạt chè của gia đình “ra đọt non”, bà không đi làm thuê nữa. Năm 1956, danh trà Ðỗ Hữu chính thức có mặt trên thị trường, với sản phẩm trà hương sói, hương nhài, hương sen… chinh phục giới thưởng trà đương thời. Qua câu chuyện với “bà chúa trà hương”, tôi nhận ra rằng, làm trà dường như không còn ý nghĩa bán mua, mà là trao gửi những món quà văn hóa tao nhã xứ B’Lao.
Thập niên 30 của thế kỷ trước, cây chè đã “nảy mầm” ở vùng đất B’Lao, với những đồn điền của các ông chủ đến từ Tây Dương, như đồn điền Pôn-pe, Sô-ven, La-ruy, Fe-lit B’Lao, B’Lao Sierré... sau đó là sự ra đời của các trang trại, rẫy chè hộ gia đình, như Năm Mậu, Huỳnh Hoa, Ngô Văn và cái tên Lê Minh Xanh được đặt cho con dốc ngay ngõ vào TP Bảo Lộc đến tận ngày nay… Từ đó, vùng đất ba-dan này đã hình thành một tầng lớp cư dân gắn với nghiệp trà hương. Ðó chính là khởi nguồn của thương hiệu Trà B’Lao, hiện 32 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng. Từ miền cao nguyên, thương hiệu “Trà B’Lao” đã lan tỏa đến nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2019, giá trị xuất khẩu sản phẩm trà B’Lao đạt hơn 15 triệu USD. TP Bảo Lộc đã tổ chức bảy kỳ Lễ hội văn hóa Trà, để những danh trà tiếng tăm thuở trước, như Ðỗ Hữu, Quốc Thái, Bảo Tín, Vạn Tâm, Hoa Sen… và bao danh trà kế nghiệp hôm nay, như Thiên Thành, Thiên Hương, Tâm Châu, Trâm Anh… khơi gợi tâm thức của “tao nhân mặc khách” ngược xuôi phố núi.
Trong Lễ hội văn hóa Trà và Tơ lụa Bảo Lộc diễn ra cuối năm 2019, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc Ðoàn Kim Ðình khẳng định, đây là sự kiện nhằm tôn vinh người trồng chè, chế biến trà và nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa; cơ hội để giới thiệu, quảng bá thương hiệu Trà B’Lao và Tơ lụa Bảo Lộc, vùng đất và con người xứ B’Lao thân thiện, mến khách. Khi đến với Bảo Lộc, thưởng thức chén trà B’Lao thoảng hương, choàng tấm lụa tơ tằm mềm mại, du khách sẽ cảm nhận được một cách sâu sắc văn hóa trà trong đời sống hằng ngày và nghề tơ lụa phố núi B’Lao. Ðó cũng là cơ hội để lan tỏa thương hiệu Trà B’Lao và Tơ lụa Bảo Lộc, xây dựng niềm tự hào thương hiệu Việt Nam.
 
Trình diễn thời trang tơ lụa Bảo Lộc bên hồ Xuân Hương, Ðà Lạt. Ảnh: Mai Văn Bảo
Sắc lụa
Trong không gian ấm cúng những ngày cuối đông, bên tách trà B’Lao nồng nàn ngọt hậu, nhà thiết kế Minh Hạnh, người từng “nhận trách nhiệm” thiếu sót với chất liệu truyền thống của dân tộc, khi chị bén duyên với xứ tơ lụa Bảo Lộc, thổ lộ: “Cách đây khoảng 3 năm, tôi từng ví tơ lụa Bảo Lộc như cô gái đẹp giam mình trong ngôi nhà cổ. Nhưng giờ đây, sự kết hợp giữa nhà sản xuất, nhà thiết kế, nhà phân phối và cả những nhà công nghệ dành cho tơ lụa, thì “cô gái đẹp” ấy trở nên thân thiện hơn, gần gũi hơn và đến được với người tiêu dùng”.
Ngược dòng ký ức, cách nay hơn nửa thế kỷ, vùng đất B’Lao được lựa chọn nhằm thực hiện khát vọng về một “kinh đô” tơ lụa của Việt Nam. Sau khoảng 10 năm gây dựng, “đám mây la đà” trên đỉnh Sapung bỗng chốc bị cơn gió ngang qua. Những năm gần đây, cùng với thị hiếu tiêu dùng và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, cung cách làm ăn bài bản, thương hiệu Lụa tơ tằm Bảo Lộc đã hồi sinh mạnh mẽ. Sợi tơ tằm truyền thống Bảo Lộc đang dệt sắc mầu tươi mới, quyện hòa giữa hiện đại và truyền thống; với hơn 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tơ lụa; hằng năm sản xuất hơn 1.000 tấn tơ, ba đến bốn triệu mét vuông lụa. Lụa Bảo Lộc hai lần xuất hiện tại Tuần lễ cấp cao APEC 2006 và 2017, trong những trang phục của các nguyên thủ, do nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện và có mặt trên các sàn diễn thời trang danh giá ở Pa-ri, Mi-lan, Niu-Oóc, Mát-xcơ-va… Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đã từng bước chinh phục giới mộ điệu thời trang thế giới. “Chúng tôi nhận diện rõ bài học sụp đổ của ngành lụa Bảo Lộc để rút kinh nghiệm. Bây giờ phải liên kết giữa nhà thiết kế, nhà dệt lụa, ươm tơ, nhà phân phối và Nhà nước... Thương hiệu đã có, không ai chỉ đi bán nguyên liệu thượng hạng mình làm được, mà làm sao để lan tỏa vẻ đẹp của tơ lụa truyền thống Bảo Lộc”, Chủ tịch thành viên Việt Nam Silk House Huỳnh Tấn Phước chia sẻ.
Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, sợi tơ truyền thống được giới thiết kế coi là gia tài của ông bà để lại. Khi đã có gia tài thì phải làm giàu thêm. “Chúng ta phải làm sao để chất liệu truyền thống gắn liền với sự phát triển của thương hiệu Việt Nam. Thông qua con đường thời trang, vẻ đẹp của tơ lụa được chuyển tải một cách trung thực và sinh động nhất, mang đến cho người tiêu dùng một ý niệm mới về sản phẩm truyền thống vẫn mang đậm tinh thần thời đại”, nhà thiết kế Minh Hạnh nói.
Ðây là năm thứ ba, nhà thiết kế, người mẫu Ngọc Hân mang những bộ sưu tập từ lụa tơ tằm Bảo Lộc giới thiệu tới công chúng. Chị chia sẻ, khi sử dụng sản phẩm từ tơ lụa, người tiêu dùng sẽ cảm thấy rất dễ chịu. Như với thời tiết nắng nóng, được khoác chiếc áo dài truyền thống bằng lụa tơ tằm Bảo Lộc sẽ thấy thoải mái và mát lành. Bà Ê-lê-na, người Nga, trong đêm thăng hoa tơ lụa Bảo Lộc trên hồ Ðồng Nai, ngay trung tâm phố thị B’Lao, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về sản phẩm tơ lụa Việt Nam. Qua tìm hiểu nghề làm lụa truyền thống, chúng tôi có cơ hội hiểu biết thêm về văn hóa Việt Nam. Theo tôi biết, lụa tơ tằm luôn được ưa chuộng ở châu Âu”.
Chiều buông. Ngọn gió cuối đông lướt thướt qua miền đất ba-dan, quyến hương trà vương vấn mãi. Giữa mênh mông núi đồi, tự đâu đó ngân lên câu hát: Tôi yêu thành phố Bảo Lộc quê hương trà/óng ánh sắc tơ… Hương trà mênh mang/phố núi mộng mơ/áo lụa em bay trong chiều… khiến lữ khách dùng dằng bước chân.
Mai Văn Bảo (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm