Như Báo Gia Lai đã thông tin, ngày 26-12-2020, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thanh Danh (trước đó là hộ kinh doanh Chư Ngọc Huyền có địa chỉ tại xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) ký hợp đồng mua bán điện hệ thống mặt trời mái nhà với đại diện theo ủy quyền của EVNCPC là GLPC. Cùng ngày, Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (địa chỉ tại xã Chư Ngọc) cũng ký hợp đồng mua bán điện với GLPC. Hợp đồng mua bán điện của 2 công ty với GLPC có công suất lắp đặt là 999,6 kWp, thời hạn từ ngày 26-12-2020 đến 26-12-2040
Từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021, GLPC thanh toán tiền bán điện đầy đủ cho 2 công ty này. Nhưng sau đó, GLPC tạm ngưng thanh toán tiền bán điện vì cho rằng 2 công ty đã vi phạm hợp đồng. Trước sự việc trên, 2 công ty đã có văn bản khiếu nại đến GLPC để yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền bán điện. Ngày 15-4-2021, theo chỉ đạo của GLPC, Điện lực Krông Pa tiến hành kiểm tra hệ thống điện mặt trời của 2 công ty và có kết luận: Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Thanh Danh lắp dư 779 tấm pin; Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát lắp dư 334 tấm pin so với nghiệm thu ban đầu. Vì vậy, Điện lực Krông Pa không xác nhận thanh toán tiền điện đối với phần lắp đặt vượt công suất trong hợp đồng mua bán điện được ký kết.
Lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại huyện Krông Pa. Ảnh: Lê Anh |
Ngày 22-4-2021, 2 công ty trên tiếp tục khiếu nại lên GLPC đề nghị hủy biên bản làm việc và không đồng ý hướng xử lý của Điện lực Krông Pa. Ngày 6-5-2021, GLPC đã làm việc và kiểm đếm số pin thực tế của Công ty Thanh Danh là 2.915 tấm; kiểm đếm số pin của Công ty Vạn Phát là 2.916 tấm. Với số liệu này, GLPC có ghi nhận khác với việc kiểm đếm của Điện lực Krông Pa khi số pin được cho là lắp đặt dư của Công ty Thanh Danh là 476 tấm; Công ty Vạn Phát lắp dư 477 tấm pin so với hợp đồng mua bán điện đã ký kết. Tuy nhiên, 2 công ty cho rằng mình hoàn toàn không gắn thêm pin, không nâng công suất kể từ khi ký hợp đồng.
Sau nhiều lần hòa giải bất thành, 2 công ty đã khởi kiện EVNCPC và GLPC ra tòa. Theo đó, Công ty Thanh Danh đề nghị GLPC phải thanh toán tiền bán điện từ ngày 11-3-2021 đến ngày 8-9-2022 với số tiền hơn 5,518 tỷ đồng và lãi suất theo mức 0,8%/tháng, tương ứng hơn 373 triệu đồng. Tương tự, Công ty Vạn Phát cũng yêu cầu GLPC thanh toán tiền bán điện và tiền lãi tổng cộng hơn 5,85 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15-9-2022, sau khi xem xét hồ sơ và các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử TAND TP. Pleiku quyết định: buộc EVNCPC và GLPC phải thanh toán cho Công ty Thanh Danh số tiền bán điện từ ngày 11-3-2021 đến ngày 8-9-2022 là hơn 5,518 tỷ đồng và lãi suất theo mức 0,8%/tháng, tương ứng số tiền hơn 373 triệu đồng; buộc thanh toán cho Công ty Vạn Phát số tiền bán điện và tiền lãi (cùng thời gian như trên) tổng cộng hơn 5,85 tỷ đồng. Tổng số tiền EVNCPC và GLPC phải thanh toán cho 2 công ty là hơn 11 tỷ đồng.
Không đồng tình với bản án trên, EVNCPC đã có đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh về một số nội dung trong bản án sơ thẩm do Hội đồng xét xử TAND TP. Pleiku đã tuyên. Ngày 17-3-2023, Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán điện giữa nguyên đơn là 2 công ty và bị đơn là EVNCPC và GLPC. Theo đó, Hội đồng xét xử TAND tỉnh cho rằng, toà án cấp sơ thẩm xác định không đúng tư cách tố tụng của PCGL; thụ lý vụ án, ra bản án giải quyết tranh chấp không đúng thẩm quyền, từ đó tuyên huỷ bản án sơ thẩm mà TAND TP. Pleiku đã tuyên.
Sau phiên toà phúc thẩm, ngày 29-3-2023, 2 công ty đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh. Sau khi tiếp nhận vụ án, qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét thấy: Về thẩm quyền giải quyết vụ án thì việc TAND TP.Pleiku thụ lý, giải quyết đơn kiện của 2 công ty trên là không trái các quy định. Đối với tư cách tham gia tố tụng, lẽ ra tòa án cấp sơ thẩm phải yêu cầu 2 công ty sửa đổi, bổ sung đơn kiện, xác định EVNCPC là bị đơn, GLPC là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm xác định GLPC cũng là bị đơn là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của GLPC. Còn về nội dung tranh chấp, thì qua mỗi lần làm việc, số lượng các tấm pin ghi nhận là khác nhau, trong khi EVNCPC và GLPC không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh vị trí, thời gian lắp đặt các tấm pin mà bị đơn cho rằng phía nguyên đơn đã lắp đặt thêm. Ngoài ra, theo ghi nhận của EVNCPC thì sản lượng điện hàng tháng thu được của 2 công ty có sự tăng, giảm chứ không đơn thuần chỉ tăng. Do đó, không có căn cứ để cho rằng 2 công ty lắp đặt thêm các tấm pin sau thời điểm các bên lập biên bản nghiệm thu. Bên cạnh đó, theo bảng tính chi tiết do EVNCPC lập thì đến ngày 8-9-2022, EVNCPC vẫn sử dụng toàn bộ sản lượng điện do 2 công ty sản xuất được. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.
Xét thấy, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều có những sai lầm trong việc áp dụng luật nên Chánh án TAND cấp cao quyết định: Kháng nghị đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 05/2023/KDTM-PT của TAND tỉnh Gia Lai. Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Gia Lai và bản án sơ thẩm của TAND TP.Pleiku; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.Pleiku xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.