(GLO)- Không phải đợi đến khi thành lập huyện mới vào năm 2007 thì vùng đất dưới chân đèo Chư Sê mới được chú ý mà ngay từ thập niên 80-90 thế kỷ trước, Phú Thiện đã có những điều kiện nhất định để xây dựng địa phương phát triển.
Ngoài các yếu tố thuận lợi cơ bản như diện tích tự nhiên rộng và màu mỡ; người dân cần cù, chịu khó… thì một sự kiện cực kỳ quan trọng đã làm biến đổi bộ mặt đời sống của cả vùng, đó là xây dựng công trình đại thủy nông Ayun Hạ.
Năm 1986 khởi công, năm 1994 chặn dòng và hoàn thành vào năm 2002, Ayun Hạ là một công trình đa năng, vừa cấp nước cho 13.500 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa nước và rau màu, vừa sản xuất thủy điện với 2 tổ máy công suất 2.700 kw, vừa nuôi trồng thủy sản, cũng là điểm tham quan du lịch với nhiều loại hình. Có Ayun Hạ, huyện Phú Thiện trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai với hơn 6.000 ha lúa nước, hơn 3.000 ha mía và cũng là vùng chuyên canh các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, đậu, thuốc lá… thu hút một lượng lớn lao động từ các địa phương đến lập nghiệp.
Đất đai được khai thác tốt, người dân biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên tăng thu nhập, giảm hộ nghèo và tiến tới làm giàu bền vững. Năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 10% (hàng năm đạt 13%), tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí mới) còn chiếm 19,43% tổng số hộ, giảm 2,16% so với năm 2011, năm nay toàn huyện phấn đấu giảm xuống dưới 16,54%.
Phú Thiện đang triển khai nhiều chương trình phát triển kinh tế của huyện, đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp thực hiện chương trình nông thôn mới, tập trung tại hai xã thí điểm là Ia Yeng và Ayun Hạ, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, làm tăng giá trị nông sản… Lộ trình phát triển cũng đã được định hướng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó nêu lên nhiều mục tiêu quan trọng như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 13%, thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt từ 1.600 đến 1.700 tỷ đồng.
Định hướng đã nêu rất khoa học và dựa trên cơ sở thực tế bởi thế mạnh của Phú Thiện là nông nghiệp nên vấn đề đầu tư ổn định vùng chuyên canh lúa nước, mía nguyên liệu được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình triển khai thực hiện, không chỉ tính đến số lượng mà còn quan tâm đến chất lượng sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay. Trước đây nông dân thường chỉ chú ý đến năng suất, sản lượng lúa, bây giờ phải biết đầu tư sao cho hạt gạo làm ra ngon, thơm và “đứng” được trên thị trường. Do vậy vấn đề xây dựng thương hiệu “lúa gạo Phú Thiện” đã trở nên cần kíp, để kích thích nền sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển mạnh và bền vững.
Thế mạnh thứ hai là mặt nước hồ Ayun Hạ rộng đến 37 km2, dung tích 253 triệu m3, Phú Thiện có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt và du lịch sinh thái. Năm 1995, hồ được một xí nghiệp ở Nha Trang hợp đồng nuôi và đánh bắt, trung bình mỗi năm đánh bắt hơn 250 tấn cá thác lác, trắm, chép, mè, cá trôi... cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh miền xuôi. Và hồ Ayun Hạ có thể cho khai thác thủy sản cao hơn nhiều nếu tổ chức nuôi trồng, đánh bắt quy mô và khoa học hơn.
Với chiều dài hơn 25 km, nơi rộng nhất đến 5 km, nằm bên khu rừng nguyên sinh, giữa hồ có nhiều đảo, phong cảnh non nước hữu tình, hồ Ayun Hạ còn là điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn. Nếu được trang bị phương tiện vận chuyển an toàn và xây dựng hệ thống các tuyến, điểm dừng nghỉ, giải trí trên lòng hồ, nhất định nơi đây sẽ trở thành một tour du lịch nổi tiếng trên bản đồ du lịch cả nước, không thua kém các danh thắng khác trong khu vực.
Với những quyết sách đã và đang triển khai, với đồng lúa mênh mông, hồ Ayun Hạ đầy ắp nước, khu di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi cùng nhân vật nổi tiếng vua Lửa (Pơtao Pui), đường 7 lịch sử-quốc lộ 25 chạy ngang qua địa bàn, cùng nền văn hóa đậm chất Jrai, Bahnar trong vùng... nhất định Phú Thiện sẽ phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế của khu vực đông nam Gia Lai.
Thanh Phong