Kinh tế

Huyện Chư Prông: Cây trồng lay lắt vì thiếu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay cùng với việc các vườn cà phê, hồ tiêu tại huyện Chư Prông vào đợt tưới nước, các ruộng lúa cũng đang vào thời điểm trổ đòng khiến lượng nước trong các ao, hồ, suối, kênh, mương,... trên địa bàn bắt đầu cạn kiệt từ cách đây gần 2 tháng. Tình trạng này khiến nông dân rất lo lắng.

Hơn 1.200 ha lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện Chư Prông đang đứng trước nguy cơ khô cháy nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài qua tháng 4. Nhiều diện tích lúa trên địa bàn một số xã bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng như: xã Thăng Hưng 20 ha, xã Ia Boòng 21,4 ha, Ia Vê 7 ha, Ia Drăng 8 ha, Ia Pia 10 ha,...
 

Ruộng không có nước, đất nứt nẻ, cây lúa còi cọc. Ảnh: P.L
Ruộng không có nước, đất nứt nẻ, cây lúa còi cọc. Ảnh: P.L

Cánh đồng lúa thuộc làng Ó (xã Ia Drăng) trải dài gần 3 ha đang trong thời kỳ trổ đòng. Tuy nhiên, các mương nước xung quanh cánh đồng đã khô cạn từ lâu khiến cả cánh đồng lúa trở nên còi cọc, vàng vọt, cỏ mọc cao bằng cây lúa nhưng người dân cũng chẳng buồn nhổ, đất mặt ruộng khô khốc, nứt nẻ. Cả nhà chị Ksor Pi (làng Ó, xã Ia Drăng) chỉ trông chờ vào 2 sào lúa nước, nhưng vụ Đông Xuân này có thể nhà chị sẽ mất trắng vì không có đủ nước dẫn vào ruộng.

Chị Pi rầu rĩ cho biết: “Ruộng khô nước hơn nửa tháng nay, đất nứt đưa được cả hai bàn tay vào. Lúa vàng hết rồi, năm nay chắc không có gạo ăn mất thôi”. Cùng hoàn cảnh, ông Kpăh Glen (làng Ó, xã Ia Drăng) buồn bã không kém khi nhắc đến gần 3 sào lúa đang chết dần chết mòn của mình: “Nước ít lắm, không đủ cho lúa lớn. Chưa năm nào tôi thấy nước ít như năm nay”.

Loài cây chịu thiệt hại kế tiếp là cà phê và hồ tiêu. Từ trước Tết Nguyên đán, các nhà vườn đã bắt tay vào tưới nước đợt I cho cà phê kịp ra hoa và còn đến 2 đợt tưới nữa sau Tết cho cây đủ nước để đậu quả. Tuy nhiên, với thời tiết nắng hạn như năm nay, dự tính các nhà vườn phải tưới nước đợt IV mới cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cây. Thế nhưng, từ đợt II, nguồn nước tưới đã bắt đầu cạn kiệt. Trên khắp các con suối lớn nhỏ, người dân phải làm bờ kè mới có đủ nước để tưới trong vòng 30 phút, sau đó phải chờ đến 12 tiếng sau mới có thể tưới lại.

Gia đình anh Hoàng Văn Quang (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng) có 3.000 cây cà phê ở cạnh suối làng Tung (xã Ia O) đang trong tình trạng “đói” nước. Anh Quang cho biết: “Mọi năm, nếu đủ nước tưới, với hai máy bơm hoạt động, tôi chỉ cần tưới 10 ngày là xong hết 3.000 cây cà phê. Nhưng năm nay, nước quá ít nên tôi tưới hơn nửa tháng rồi mà mới được 2/3 vườn. Cứ thế này thì đợt sau không biết lấy nước ở đâu để tưới cho cây”.

Khu vực vườn cà phê của anh Quang còn có tới 2 nhà vườn khác cũng đang trông chờ vào nguồn nước suối mà vẫn chưa tới lượt để tưới vì nước đã cạn kiệt. Anh Nguyễn Tất Tân cũng đang phải bám vườn tại làng Tung để canh nước tưới cho 1 ha cà phê của mình. “Cả hai ao đào trong vườn đã cạn nước, bây giờ tôi phải kéo nước từ hồ thủy điện lên nhưng cứ tưới 20-30 cây là hết nước, lại phải chờ. Đợt tưới sau không biết lấy nước ở đâu”-anh Tân ngán ngẩm nói.
 

Ảnh: P.L
Ảnh: P.L

Hiện tại, mực nước tại các suối, ao, hồ thủy lợi đã xuống rất thấp. Nhà máy Thủy điện Ia Púch cũng đã ngừng chạy máy từ sau Tết đến nay, lòng hồ cạn kiệt. Trong kế hoạch gieo trồng vụ Đông Xuân có 20 ha đậu phộng, tuy nhiên do thời tiết nắng nóng, nông dân trên địa bàn đã không trồng loại cây này. Nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài, diện tích cây trồng bị thiệt hại sẽ còn tăng lên đáng kể.

Trước tình trạng nguồn nước tưới cạn kiệt, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông đã tham mưu UBND huyện ban hành phương án chống hạn đến các UBND xã, hướng dẫn nhân dân có biện pháp chống hạn cho cây trồng, đồng thời tích cực gia cố hồ đập, nạo vét kênh mương, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, để đảm bảo cho cây trồng.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm