Chính trị

Tin tức

Huyện Chư Prông và Lumphat ký kết chương trình phối hợp chung giai đoạn 2023-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 15-12, tại huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Prông, các đoàn thể chính trị-xã hội huyện và Ủy ban Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc và các tổ chức xã hội huyện Lumphat (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) tổ chức ký kết Chương trình phối hợp chung giai đoạn 2023-2025.

Tham dự hội nghị có ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai; về phía huyện Chư Prông có các ông: Đinh Văn Dũng-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Vũ Đình Hạnh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Rah Lan Hạnh-Phó Chủ tịch HĐND huyện; Kpuih Hồ Công Thông- Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện.

Về phía bạn có: Ngài Chea Thao Rith-Phó Tỉnh trưởng tỉnh Ratanakiri; ông Nu Thê-Chủ tịch Đảng, Chủ tịch huyện Lumphat; ông Khăm Suk-Phó chủ tịch Đảng, Chủ tịch Hội đồng huyện Lum Phát.

Chư Prông là huyện biên giới của tỉnh Gia Lai có 36,6 km đường biên, 2 xã biên giới tiếp giáp với huyện Lumphat.

Lễ ký kết diễn ra có sự chứng kiến của lãnh đạo huyện Chư Prông và huyện Lumphat. Ảnh: Khánh Linh

Lễ ký kết diễn ra có sự chứng kiến của lãnh đạo huyện Chư Prông và huyện Lumphat. Ảnh: Khánh Linh

Với tinh thần hữu nghị, hợp tác, chia sẻ, thời gian tới, Mặt trận 2 huyện tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; tăng cường phối hợp hơn nữa việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước; hướng dẫn các địa phương dọc theo đường biên giới mỗi nước tổ chức các chương trình kết nghĩa giữa các đồn biên phòng, giữa các thôn, làng, xã biên giới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung các văn kiện pháp lý về biên giới giữa 2 nước tới mọi tầng lớp nhân dân, nhằm tạo thuận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc đoạn biên giới còn lại; tăng cường hoạt động giao lưu Nhân dân, đặc biệt là giữa các thôn, làng, các xã biên giới để học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác.

Qua đó, tuyên truyền, vận động người dân 2 huyện hiểu rõ và chấp hành nghiêm pháp luật về chủ quyền quốc gia, quốc giới, thực hiện tốt các hiệp định, hiệp ước về biên giới mà Đảng, Nhà nước đã ký kết; không xâm canh, xâm cư, không vượt biên, buôn bán trái phép qua biên giới. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao nhằm tạo điều kiện cho chính quyền và người dân 2 huyện có điều kiện hiểu biết thêm về văn hóa các dân tộc, tạo sự gắn bó thân thiện giữa chính quyền và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh giao thương kinh tế, vận động các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo ở những vùng khó khăn, vùng biên giới. Cùng với chính quyền thường xuyên quan tâm đến công tác bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện cho bà con khu vực biên giới yên tâm sinh sống, bảo đảm nguyên trạng đất sản xuất cũng như đất canh tác; tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng bảo vệ biên giới, các lực lượng làm công tác phân giới cắm mốc của 2 Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ góp phần xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia ngày càng phát triển tốt đẹp.

Có thể bạn quan tâm