TN - Đất & Người

Huyện Chư Sê: 35 năm xây dựng và trưởng thành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 35 năm thành lập, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, huyện Chư Sê đã vươn lên trở thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh và đang nỗ lực phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2020.

Vượt khó để phát triển

Những năm đầu sau ngày thành lập (17-8-1981), huyện Chư Sê gặp không ít khó khăn, thách thức như: cơ sở hạ tầng còn thấp kém; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu và chỉ có 2 công trình thủy lợi Bờ Ngoong và Ia Glai; giao thông kém phát triển; hệ thống thông tin liên lạc còn rất đơn giản; mạng lưới điện chưa có; tình trạng thiếu đói thường xuyên diễn ra và phổ biến (chiếm trên 80% dân số). Không những thế, dịch bệnh luôn hoành hành, hậu quả chiến tranh để lại còn nặng nề và tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp do bọn phản động FULRO thường xuyên chống phá đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

 

Huyện Chư Sê chú trọng đến xây dựng và phát triển đô thị. Ảnh: N.G
Huyện Chư Sê chú trọng đến xây dựng và phát triển đô thị. Ảnh: N.G

Từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III và lần thứ IV (1989-1996), huyện Chư Sê đã bước vào thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, chuyển đổi kinh tế từ tự cung, tự cấp sang kinh tế sản xuất hàng hóa, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, kinh tế của huyện chuyển biến khá, tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 28,2% và đến năm 2010 đạt 14%.

Kinh tế phát triển với tốc độ cao và bền vững, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng: năm 1981 là 909 ngàn đồng, đến năm 2010 đạt 16 triệu đồng và cuối năm 2015 đạt 39,8 triệu đồng. Những ngày đầu, cơ cấu kinh tế về nông-lâm nghiệp chiếm 95%; công nghiệp-dịch vụ chiếm 5%. Đến năm 2010, trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông-lâm nghiệp chiếm 50%, công nghiệp-xây dựng chiếm 28%, dịch vụ chiếm 22%.

Diện tích cây công nghiệp dài ngày của huyện như: cà phê, hồ tiêu, cao su… đi vào thâm canh; tiếp tục mở rộng diện tích lúa nước 2 vụ; các loại cây trồng khác như bắp lai, mì, đậu đỗ… cũng được quan tâm phát triển ngày càng đa dạng về chủng loại. Đặc biệt, sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận cấp sở hữu nhãn hiệu tập thể và trở thành thương hiệu. Từ đó, sản phẩm đã được xuất đi nhiều nước trên thế giới, đem lại hiệu quả, lợi nhuận cao cho nhân dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, ngành chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động thương mại-dịch vụ phát triển đa dạng và hoạt động đến các làng, xã, vùng sâu, vùng xa.

Sự nghiệp giáo dục-đào tạo của huyện Chư Sê cũng không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí và nhân lực cho huyện. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đến nay có nhiều tiến bộ, mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp. Trong những năm qua, huyện cũng đã xây dựng hơn 107 nhà tình nghĩa, hơn 140 nhà đại đoàn kết và sửa chữa hơn 800 nhà chính sách…

 

Chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) đạt 11.173 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 7,68%; thu nhập bình quân đầu người 49,7 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn 375 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương 3.235 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản 845 tỷ đồng; phấn đấu nâng độ che phủ rừng đạt 26,5%.

Đến năm 2020, 78,5% số xã đạt chuẩn về tiêu chí nông thôn mới; giảm tỷ lệ tăng dân số xuống còn 1,73%, trong đó tăng tự nhiên 1,55%; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% đến 3%/năm theo tiêu chí hiện hành; xây dựng trên 85% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và đạt tỷ lệ 4,27 bác sĩ/vạn dân; nhân dân tham gia bảo hiểm y tế từ 70% trở lên. Số tổ chức cơ sở Đảng “Trong sạch, vững mạnh” hàng năm đạt 45% trở lên, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng hàng năm đạt 8% so với tổng số đảng viên đầu mỗi năm.

Mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, song kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục được duy trì ổn định và đạt được những thành tựu quan trọng. Theo đó, năm 2015, tổng giá trị sản xuất đạt 2.498 tỷ đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 131 tỷ đồng. Giáo dục-đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thực hiện thường xuyên gắn với triển khai có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được chú trọng (tỷ lệ hộ nghèo còn 8,09%, tương đương 2.129 hộ). Hệ thống chính trị được củng cố, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được tăng cường. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững…

Phấn đấu trở thành thị xã

Với vị thế là vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh, huyện Chư Sê đã và đang góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh trong nhiều năm qua, tạo tiền đề để huyện phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, trong 5 năm qua, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đô thị với nhiều kết quả đáng kể. Hệ thống đường giao thông đã nhựa hóa, bê tông hóa 58,4 km/82 km; trên 25 km đường khu vực tập trung dân cư có vỉa hè, trồng 2.520 cây xanh đô thị và xây dựng 24,2 km mương thoát nước đô thị; hơn 32 km đường được lắp đặt gần 900 bộ đèn cao áp chiếu sáng công cộng, chiếm 51,2% so với tổng số đường đô thị…

Thực hiện những mục tiêu đã đề ra, các cấp, các ngành của huyện đã tập trung hoàn chỉnh công tác quy hoạch đô thị, định hướng quy hoạch chung nhằm phục vụ yêu cầu cải tạo, chỉnh trang tiến tới hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật trung tâm đô thị theo hướng mở, phát triển các khu đô thị mới theo tiêu chí của đô thị loại III. Bên cạnh việc huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng, huyện còn tập trung đẩy mạnh duy tu, bảo dưỡng đường giao thông, nạo vét cống rãnh, tu bổ hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, điện chiếu sáng, chăm sóc cây xanh đường phố đáp ứng yêu cầu phát triển của thị xã trong tương lai; nâng cao hiệu quả việc thu gom và xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Các cơ quan chuyên môn đề xuất chuyển đổi mô hình, thành lập các công ty dịch vụ công về cấp thoát nước, đô thị và môi trường phù hợp với phát triển đô thị. Xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư, lập kế hoạch và thực hiện tốt đề án di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư vào cụm công nghiệp.

Từ nay đến năm 2020, huyện sẽ tập trung đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đạt theo các tiêu chí đô thị loại III. Phấn đấu trên 95% các tuyến đường chính, đường hẻm nội thị được nhựa hóa, bê tông hóa và có điện chiếu sáng; tiếp tục nâng cấp, mở rộng một số đường trục chính; trên 90% các tuyến đường chính có tên đường và chiều rộng vỉa hè, có cây xanh bóng mát.

Trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực, chú trọng các nguồn lực tại chỗ; đồng thời khai thác tốt các nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh thu hút đầu tư gắn với việc xây dựng và phát triển đô thị, đảm bảo về cảnh quan, môi trường và bản sắc của đô thị vùng Tây Nguyên, Chư Sê sẽ phấn đấu trở thành thị xã thứ 3 của tỉnh Gia Lai.

Đỗ Hằng

Có thể bạn quan tâm