TN - Đất & Người

Huyện Chư Sê: Dấu ấn 2015

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Chư Sê luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đề ra, tự tin, vững bước vào năm mới.

Ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.
Ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện.

Năm 2015, huyện Chư Sê đã đạt được những kết quả rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, khóa VIII đề ra. Nền kinh tế tiếp tục duy trì và phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và cơ bản khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất năm 2015 trên địa bàn (theo giá cố định 1994) là 2.498 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, bằng 114,3% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng 14,3%. Trong đó, ngành nông-lâm nghiệp đạt 924 tỷ đồng, chiếm 36,98%; công nghiệp-xây dựng 796 tỷ đồng, chiếm 31,86%; thương mại-dịch vụ là 778 tỷ đồng, chiếm 31,16%. Thu ngân sách tại địa bàn gần 132 tỷ đồng, đạt 276,26% kế hoạch tỉnh giao và 171,70% kế hoạch HĐND huyện giao. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,09%, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân đạt 39,8 triệu đồng/người/năm, đạt 100,25% kế hoạch…

Xác định hồ tiêu là loại cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nên UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa loại cây công nghiệp này phát triển bền vững. Hiện tổng diện tích cây hồ tiêu trên toàn huyện khoảng 3.500 ha, sản lượng hàng năm ước đạt 8.000 đến 10.000 tấn, chiếm 8% đến 9% sản lượng cả nước với năng suất bình quân đạt 4 đến 5 tấn/ha. Đặc biệt, huyện Chư Sê đã có sản phẩm hồ tiêu mang tính đặc trưng tiêu biểu trên toàn quốc như các sản phẩm tiêu sọ, tiêu trắng, tiêu đỏ đóng hộp bằng công nghệ cao, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Chư Sê còn được biết đến với màu xanh bạt ngàn của hơn 17 ngàn ha cà phê, khoảng 7 ngàn ha cao su, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi mới cũng được tăng cường thử nghiệm và phát huy hiệu quả, giúp đời sống người dân có những chuyển biến mạnh mẽ, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số. Chuyển biến mạnh về cơ cấu, phá thế độc canh, đã tạo cho nền kinh tế của huyện phát triển đa dạng và hình thành các khu vực chuyên canh. Tổng đàn gia súc của huyện là 67.653 con, đạt 111,45% kế hoạch tỉnh, đạt 100,15% kế hoạch huyện, so với cùng kỳ năm trước bằng 107,81%. Tổng đàn gia cầm là 61.180 con, đạt 100,01% kế hoạch huyện. Thành quả từ nền nông nghiệp giúp Chư Sê vươn mình khẳng định vị thế là vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.

 

 Một góc thị trấn Chư Sê hôm nay.
Một góc thị trấn Chư Sê hôm nay.

Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Chư Sê đã đổi thay nhanh chóng, từ hệ thống giao thông nông thôn, nước sạch, môi trường, thủy lợi đến xây dựng hệ thống chính trị, văn hóa. Đến nay, huyện đã có 4/14 xã đạt 19/19 tiêu chí gồm xã Ia Blang, Ia Glai, Ia Hlốp, Al Bá; 1 xã đạt 15 tiêu chí, 2 xã đạt 14 tiêu chí, 1 xã đạt 13 tiêu chí, 3 xã đạt 12 tiêu chí, 1 xã đạt 10 tiêu chí, 2 xã đạt 9 tiêu chí, 1 xã đạt 5 tiêu chí.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt nhiều kết quả khả quan, tạo bước tiến đồng bộ trong chiến lược phát triển chung. Đến thời điểm này, toàn huyện hiện có 63 cơ sở giáo dục, 1.105 lớp, với 32.728 học sinh, đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học với 2.684/2.684 em, đạt tỷ lệ 100%; đối với phổ cập giáo dục THCS là 1.690/1.695 em, đạt tỷ lệ 99,71%; giáo dục bổ túc THCS là 144/144 em, đạt tỷ lệ 100%. Mạng lưới y tế từ huyện đến các xã, thôn, làng được củng cố, kiện toàn, 14/14 trạm y tế có bác sĩ, 100% thôn làng có cộng tác viên dân số... Các chính sách xã hội được ưu tiên giải quyết, thực hiện chi trả chế độ chính sách người có công kịp thời, đúng đối tượng với kinh phí 28,829 tỷ đồng.

 

 Hồ tiêu là thế mạnh nông nghiệp của huyện Chư Sê.
Hồ tiêu là thế mạnh nông nghiệp của huyện Chư Sê.

Với thành công đó, dù còn bao bộn bề khó khăn trên chặng đường mới nhưng huyện Chư Sê đã mạnh dạn đặt những mục tiêu xa hơn trong năm 2016. Cụ thể, huyện phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất năm 2016 (theo giá so sánh 2010) đạt 8.244 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2015; thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt trên 80,5 tỷ đồng, tăng 15,68% so với năm 2015; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt trên 133 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,09% theo tiêu chí mới…

Để đạt được những mục tiêu đó đòi hỏi sự phấn đấu rất lớn của Ban Chấp hành Đảng bộ, UBND huyện và chính quyền, đoàn thể các cấp… Theo đó, trong thời gian tới, huyện tập trung vào một số giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nội ngành nông-lâm nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường đưa giống mới, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, trong đó tập trung thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã điểm của huyện có điều kiện hoàn thành trong năm 2015. Tăng cường quản lý, khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để tăng sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nhất là các cơ sở sản xuất sản phẩm cơ khí. Đồng thời, tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo việc làm mới và giải quyết việc làm. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch, bệnh, đặc biệt là các bệnh dịch nguy hiểm...

Nguyễn Hồng Linh
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Có thể bạn quan tâm