Kinh tế

Huyện Đak Đoa: Người trồng cà phê lao đao vì ve sầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu niên vụ cà phê năm nay, nông dân tỉnh Gia Lai lo lắng về chuyện nước tưới khi nghe dự báo… thời tiết sẽ hạn hán nặng. Chuyện này đã không thành hiện thực vì năm nay mưa nhiều. Tuy nhiên, khi đã vượt qua trót lọt 2/3 chặng đường của mùa vụ, sắp đến ngày hái quả thì nhiều người ở huyện Đak Đoa lại mất ăn mất ngủ... vì ve sầu.

Vài tháng nay, hàng trăm hộ nông dân trồng cà phê tại xã Nam Yang, Tân Bình… huyện Đak Đoa luôn trong tâm trạng như ngồi trên đống lửa khi sắp đến mùa thu hoạch quả nhưng cây cà phê lại bị triệu chứng vàng lá, khô cành rồi rụng quả, thậm chí long rễ chết cả cây.

Ông Bình-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang dẫn chúng tôi đi thực địa rẫy cà phê bị nạn ve sầu. Ảnh: N.L
Ông Bình-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang dẫn chúng tôi đi thực địa rẫy cà phê bị nạn ve sầu. Ảnh: N.L
Đến làm việc tại Hội Nông dân xã Nam Yang, được ông Nguyễn Công Bình-Chủ tịch Hội thừa nhận: Chuyện này là hoàn toàn có thật, nguyên nhân là tại ấu trùng của con ve sầu. Loại côn trùng nguy hại này đang tàn phá rất mạnh khiến nông dân ở đây hết sức lo lắng.


Theo Hội Nông dân xã nắm được qua đợt khảo sát gần đây thì cả xã Nam Yang có khoảng 20% trong tổng số gần 1.300 ha cây cà phê bị ve sầu cắn phá. Cơ quan chức năng của huyện Đak Đoa đã về tìm hiểu, kết quả ban đầu cho thấy, tại mỗi gốc cây cà phê có đến hàng chục cá thể ấu trùng ve sầu.

Ông Bình đã dẫn chúng tôi đến thực địa tại 2 ha cà phê bị ảnh hưởng nặng bởi nạn ve sầu ở xã Nam Yang. Đó là vườn của ông Nguyễn Văn Hải (tại thôn 5) đang ở trong thời kỳ cho trái nhưng do ve sầu phá nên có thể mất đến 80% năng suất.  

Bước sang vườn cà phê cạnh đấy của ông Nguyễn Văn Thanh, ở từng gốc cà phê khi đào lên có rất nhiều ấu trùng ve sầu. Anh Thanh cho biết, cứ mỗi gốc cà phê có triệu chứng vàng lá, rụng quả trong vườn có không dưới trăm ấu trùng ve sầu. 

Cũng theo anh Thanh, hơn 10 năm làm cà phê, đây là lần đầu tiên vườn nhà anh bị nạn này nhưng vẫn chưa rõ đâu là nguyên nhân. Năm nay gia đình anh ước sẽ tổn thất trên 2 tấn cà phê nhân.

Đây vẫn chưa phải là tổn thất đáng ngại mà nó còn di chứng những năm sau, bởi vì bộ rễ cây cà phê bị ve sầu làm tổn thương khiến nhiều loại bệnh dễ xâm nhập cây, rất khó hồi phục lại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bình cho biết, chuyện cây cà phê bị nạn ve sầu phá hoại, tại xã này đã có từ mấy năm nay tuy nhiên năng suất bị ảnh hưởng không đáng kể. Năm nay có thể nói nó đã nâng lên thành dịch. Một số nông dân đã mua chế phẩm sinh học, phối hợp với vôi để diệt thử nhưng không thấy hiệu quả. Chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan bảo vệ thực vật của huyện để sớm tìm được biện pháp giúp nông dân.

Lý giải về hiện tượng ve sầu phát triển đột biến tại một số xã của huyện Đak Đoa, một nông dân có thâm niên trồng cà phê trên 20 năm cho hay, ve sầu thường thích đậu trên những cây cao, có tán lớn. Thông thường trong các vườn cà phê, nông dân ta thường trồng nhiều cây để chắn gió, đây là nơi ở ưa thích của ve sầu. Trong vườn cà phê thường có rất nhiều kiến, mà món khoái khẩu của loài này chính là trứng ve sầu. Tuy nhiên đây cũng là loài gây khó chịu cho nông dân trong việc thu hoạch quả cà phê, do đó nhiều người đã phun thuốc diệt tận gốc loài này. Ve sầu mất thiên địch nên phát triển rầm rộ. Theo ông, để thuận tiện cho việc thu hoạch nông sản cũng nên diệt bớt kiến, tuy nhiên không nên tận diệt loài này.
 
Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm