(GLO)- Đức Cơ là một huyện biên giới có 11 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 50%. Đây là nơi tập trung nhiều dân di cư tự do, đặc biệt là người dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến lập nghiệp. Để hạn chế tình trạng di dân di cư tự do, huyện Đức Cơ đã thực hiện nhiều biện pháp có hiệu quả.
Anh Lương Văn Mạnh (làng Nua, xã Ia Pnôn) ổn định cuộc sống nhờ ý chí bản thân và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Ảnh: Ngọc Thu |
Anh Lương Văn Mạnh (làng Nua, xã Ia Pnôn) người dân tộc Dao di chuyển từ huyện Thường Xuân, Thanh Hóa lên xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ lập nghiệp năm 1999. Với số vốn ít ỏi, anh chủ yếu dựa vào hai bàn tay của mình. Anh khai hoang vùng đất mới, trồng cây cà phê ban đầu là 1,5 ha. Nhờ ý chí vượt khó vươn lên và chính quyền giúp đỡ về kỹ thuật, giống cây trồng... Sau này, anh phát triển dần lên gần 5 ha tiêu, điều cho thu nhập bình quân mỗi năm 200 triệu đồng. Hiện nay anh đã là một Phó Công an xã và kết hôn với cô gái Jrai sinh được hai người con ngoan, học giỏi. Anh Mạnh cho biết: “Ngày trước ở Thanh Hóa khổ lắm, sau này vào huyện Đức Cơ làm kinh tế mới, khai hoang trồng cà phê và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương tôi vượt khó khăn, gắn bó với mảnh đất này. Coi đây là quê hương thứ 2 của mình, không có ý định di chuyển đi đâu nữa”.
Bà Rơ Lan H’Ngon-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn cho biết: “Xã có 4 thôn làng mà có đến 5 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Dao, Tày... từ ngoài Bắc di dân vào. Khi di dân đến đây, mọi người đều được giúp đỡ và lập nghiệp, thoát nghèo”.
Cuộc sống ngày càng ổn định và đi lên, người dân tại địa phương không nghĩ đến chuyện di dân di cư. Có được kết quả trên, ngay từ những ngày đầu khi thành lập huyện, Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ đã yêu cầu Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên cử cán bộ, công chức đi đến các thôn, làng, tổ dân phố để kiểm tra, nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dễ xảy ra di dân tự do để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời, đồng thời tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm cho mọi người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tác hại của di dân tự do đối với bản thân và cộng đồng để đồng bào yên tâm sinh sống ổn định tại quê hương.
Cán bộ xã thường xuyên đến tuyên truyền cho người dân chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề di dân tự do. Ảnh: Ngọc Thu |
Ủy ban nhân dân huyện Đức Cơ cũng phối hợp với lực lượng Công an xã tăng cường công tác quản lý nhân, hộ khẩu; theo dõi, nắm chắc tình hình di biến động dân cư; kịp thời phát hiện sớm những hộ gia đình, cá nhân di cư tự do hoặc có thể di cư tự do để có biện pháp giải quyết phù hợp. Hàng quý, báo cáo kết quả về UBND huyện để theo dõi, chỉ đạo.
Trong 3 năm (2014-2016), huyện đã triển khai đào tạo nghề cho nông thôn cho trên 1.500 học viên, Thực hiện dự án định canh-định cư xen ghép tại các xã; đã cấp gần 500 tấn muối Iốt, trên 500 tấn phân bón, 600 con bò giống từ các chương trình. Năm 2015, huyện đã đầu tư xây dựng các hạng mục dự án định canh, định cư tập trung tại làng Chan, xã Ia Pnôn đảm bảo tiến độ. Năm 2016, toàn huyện có trên 62.000 người tham gia bảo hiểm y tế (chiếm 84,3%). Trong năm, công tác chăm lo đời sống, phát triển sản xuất cho người đồng bào dân tộc thiểu số được huyện quan tâm thực hiện; các chế độ, chính sách được giải quyết kịp thời. Hiện nay, đã giao đất và hỗ trợ chi phí cải tạo đất cho 41 hộ dân/29,2 ha tại các xã Ia Din, Ia Krêl và Ia Dom (bình quân 16,5 triệu đồng/hộ). Hỗ trợ kinh phí 60 hộ nghèo tại các xã chuyển đổi nghề sang chăn nuôi; 89 hộ nghèo được hỗ trợ nước sinh hoạt và hỗ trợ 42 hộ định cư ổn định...
Ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã hoàn thành việc xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giai đoạn 2017-2020 và thực hiện hiệu quả Đề án theo liên quan đến đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; dự án định canh, định cư tập trung tại làng Chan, xã Ia Pnôn... Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cần triển khai ngay một số giải pháp tiếp tục thực hiện bố trí ổn định dân di cư tự do như rà soát số hộ dân di cư tự do, những hộ khó khăn, những hộ ở vùng sâu, vùng xa có ý định di cư tự do hoặc tái di cư tự do để có phương án, kế hoạch giải quyết những khó khăn, vướng mắc về đời sống, chăm sóc y tế, học hành… qua đó, phân loại, lập kế hoạch cấp hộ tịch, hộ khẩu cho các hộ dân. Không thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước hỗ trợ cho người dân di cư tự do, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...
Ngoài sự chỉ đạo của huyện thì hệ thống chính trị ở cơ sở cần nâng cao năng lực để quản lý chặt chẽ địa bàn, dân cư, quản lý đất đai, tài nguyên, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các tổ chức đoàn thể, quần chúng cũng cần tuyên truyền cho người dân hiểu được chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề di dân tự do, ổn định dân cư, các chính sách xóa đói, giảm nghèo và tăng cường xây dựng các mối quan hệ, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc cùng phát triển ổn định.
Ngọc Thu