(GLO)- Trong thời gian qua, tại huyện Ia Pa, bệnh trắng lá trên cây mía đã bùng phát làm cho hàng trăm ha có nguy cơ giảm năng suất và thậm chí phải cày bỏ để trồng lại.
Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có hơn 721 ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá, trong đó, có hơn 571 ha là mía lưu gốc và 150 ha mía tơ. Diện tích mía nhiễm bệnh tập trung ở các xã: Pờ Tó, Kim Tân, Chư Răng, Ia Ma Rơn... Tỷ lệ bị nhiễm 1-29% là hơn 545 ha, tỷ lệ nhiễm 30-60% là 117,8 ha và tỷ lệ trên 60% khoảng 56 ha. Hiện người dân đã xử lý tương đối sạch bệnh được hơn 275 ha đối với những diện tích bị nhiễm nhẹ. Riêng 96 ha bị nhiễm nặng thì người dân đã phải cày phá bỏ hoàn toàn để trồng cây trồng khác. Khoảng 350 ha còn lại, cơ quan chuyên môn và người trồng mía đang tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý bệnh.
Một ruộng mía bị bệnh trắng lá ở huyện Ia Pa. Ảnh: L.N |
Dẫn chúng tôi ra ruộng mía của gia đình bị bệnh trắng lá tại thôn 3, xã Pờ Tó, ông Nguyễn Văn Đệ buồn rầu cho biết: “Gia đình tôi trồng được 6 ha mía thì 3 ha đã bị bệnh trắng lá. Gia đình đã xử lý bằng nhiều biện pháp như phun thuốc, bón phân nhưng cũng không cứu nổi, đành phá bỏ để chờ khi mưa xuống trồng cây khác. Tuy nhiên ở khu vực xã Pờ Tó năm nay mưa muộn và ít nên đến nay vẫn chưa trồng lại được”.
Vụ mía năm nay, hộ ông Kpă Khanh (xã Pờ Tó) trồng được hơn 3,5 ha. Sau một thời gian phát triển, 47% diện tích mía của gia đình ông bị bệnh trắng lá. Hiện gia đình ông Khanh cũng đang tìm phương pháp xử lý nhưng chưa có hiệu quả và khả năng sẽ phải phá bỏ diện tích này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn xã Pờ Tó hiện có khá nhiều hộ đã phải phá bỏ ruộng mía bị nhiễm bệnh trắng lá. Những diện tích bị nhiễm nhẹ thì năng suất chắc chắn sẽ bị giảm 30-40%, còn diện tích bị phá bỏ thì người dân thiệt hại khoảng 25-30 triệu đồng/ha.
Tại xã Kim Tân, ngay từ đầu vụ đã xuất hiện bệnh trắng lá làm gần 300 ha mía bị ảnh hưởng. Ông Trương Minh Khang-Chủ tịch UBND xã Kim Tân, cho biết: Người dân trong xã chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp với cây trồng chính là mía và mì. Ngay từ đầu vụ mía năm nay, trên địa bàn xã lại bùng phát bệnh trắng lá với tổng diện tích hơn 300 ha. Tuy nhiên hầu hết diện tích bị nhiễm bệnh chỉ ở mức độ nhẹ. Đến thời điểm này người dân cơ bản đã khắc phục được và ổn định sản xuất. Với những diện tích bị nặng, người dân đã cày bỏ và trồng lại cây trồng khác để bù đắp phần nào thiệt hại.
Bệnh trắng lá mía là loại bệnh rất khó phòng trừ và phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm. Ông Nay Phul-Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, cho biết: Sau khi trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh trắng là mía, Trạm đã cử cán bộ xuống kếp hợp với các địa phương nắm bắt tình hình và hướng dẫn người dân cách xử lý bệnh. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh trắng lá mía nên biện pháp phòng bệnh là chủ yếu. Đối với diện tích mía thời kỳ cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ 1-29% thì người dân cần nhổ tiêu hủy và rắc vôi vào hốc những cây bị bệnh để hạn chế lây lan. Còn với những diện tích mía bị nhiễm nặng từ 30% trở lên cần tiến hành cày tiêu hủy sau đó luân canh 1-2 năm với các cây trồng khác trước khi trồng lại mía và tuyệt đối không sử dụng hom giống ở những ruộng bị bệnh làm giống cho vụ sau. Cũng theo ông Nay Phul, bệnh trắng lá mía xuất hiện trên địa bàn huyện từ niên vụ 2012-2013 với diện tích chỉ vài ha nhưng sau đó phát triển mạnh qua các năm. Nguyên nhân bệnh lây lan nhanh và phát triển mạnh là do người dân vẫn còn chủ quan trong khâu chọn, chuẩn bị giống. Có nhiều người sau khi cày bỏ diện tích mía bị bệnh vẫn tiếp tục trồng lại mía làm cho mầm bệnh không giải quyết được triệt để.
Lê Nam