Kinh tế

Huyện Kbang: Lâm sản phụ đang cạn kiệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng Kbang (Gia Lai) được các chuyên gia lâm nghiệp đánh giá là rất giàu có về lâm sản của Tây Nguyên. Thế nhưng những năm gần đây lâm sản phụ đang bị tận diệt, có nguy cơ bị tuyệt chủng.    
Phong phú lâm sản phụ
Huyện Kbang có hơn 142.800  ha đất có rừng. Đây là rừng thường xanh nên lâm sản phụ rất nhiều và phân bố đều trên địa bàn, đa dạng về chủng loại cũng như số lượng. Theo thống kê chưa đầy đủ, rừng Kbang có hàng chục loại lâm sản phụ, nhiều loại cho giá trị kinh tế cao. Các loại lâm sản phụ này cho thu hoạch theo mùa và gần như thời điểm nào trong năm người dân cũng vào rừng tìm kiếm khai thác. Một số dược liệu, hoặc lâm sản quý phân bố ở phía Bắc của huyện tận trong rừng sâu như: Sâm đất, ba kích, lan đất… Do người dân chỉ “âm thầm” đi hái và tư thương cũng “lặng lẽ” mua nên các cơ quan chức năng không thể nào thống kê được.
Ảnh: Vĩnh Hoàng
Chị Hồ Thị Mộng- chủ đại lý thu mua lâm sản ở thị trấn Kbang cho biết: “Tôi thu mua các loại lâm sản phụ này từ lâu, mùa nào cũng có. Mỗi ngày tôi mua gần 300 kg lâm sản phụ. Hiện quả trám được các thương lái mua từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg, quả xoay từ 25.000 đồng đến 28.000 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng. Hiện nay, tôi phải thuê gần chục người phục vụ thu mua, sàng lọc hàng, đóng gói và chở đi tiêu thụ”.
Còn ông Dương Thanh Bình- Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak cho biết: Chúng tôi đang quản lý gần 8.000 ha đất có rừng, trong đó 6.000 ha có lâm sản phụ. Chỉ riêng một đơn vị chủ rừng đã có từng ấy diện tích rừng có lâm sản, nếu nhẩm tính ở 11 đơn vị chủ rừng nơi đây thì số lượng lâm sản phụ sẽ rất lớn. Mỗi ngày khi chiều xuống, từ các ngả rừng ở địa phương, hàng trăm xe máy chở theo người và lâm sản về bán cho các đại lý. Điều này cho thấy sự phong phú của lâm sản phụ cũng như giá trị kinh tế của nó.
Lãng phí tài nguyên
Từ ngày 31-12-2010, bãi bỏ chính sách khoán quản lý bảo vệ rừng nên người dân càng mạnh dạn vào rừng để tìm lâm sản phụ. Chu kỳ thu hoạch lâm sản phụ rất khác nhau, nhiều loại phải từ 3-5 năm mới có lại. Nhiều người chờ đến mùa để thu hoạch, thậm chí đánh dấu khu vực mình thu hoạch, không cho người khác vào tìm.
11 đơn vị chủ rừng ở Kbang nhưng không có đơn vị nào tham gia thu hoạch lâm sản phụ. Nếu để người dân tự do vào rừng khai thác lâm sản phụ thì giá trị kinh tế thấp, ảnh hưởng rất lớn đến tính cộng sinh của rừng và lãng phí tài nguyên rừng.
Ảnh: Vĩnh Hoàng
Rừng Kbang có nhiều loại lâm sản phụ như: Nấm linh chi, hồng chi, hắc chi và cây lan đất có giá trị kinh tế cao, là nguồn dược liệu quý hiếm. Nhiều loại nấm và cây dược liệu giá từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/kg. Nắm bắt giá trị của các loại cây này, tư thương lén lút thu mua và tiêu thụ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện ở Kbang có hơn 5 đại lý lớn thu mua các loại lâm sản phụ, ngoài ra còn có hàng chục đại lý nhỏ là chân rết; thậm chí tư thương còn vào tận rừng để thu mua. Thời điểm này là lúc thu hoạch xoay, dổi, mỗi ngày thương lái đến thu mua cả tấn, vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Lâm sản phụ phong phú tạo điều kiện cho người dân sống gần rừng có thêm nguồn thu nhập. Thế nhưng hầu như năm nào đến mùa thu hoạch cũng đều có người mất mạng, thương tật. Tuy vậy người bị nạn khi đi thu hái lâm sản phụ không khai báo. Nhiều người cho rằng đây là “cái lý” của người hưởng lộc rừng. Cây xoay, dổi hoặc trám thường rất cao và mọc thẳng đứng, người đi hái bất chấp cả nguy hiểm trèo lên cao 30-50 mét, không có thiết bị bảo hộ nên nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Người đi hái xoay ở Kbang không thể quên cái chết của anh Đinh H. ở xã Nghĩa An do rơi từ độ cao 40 mét, xác bẹp dúm bỏ chỉ vừa cái gùi. Vì mưu sinh anh đã bỏ lại 4 đứa con thơ. Nhiều người do nhầm lẫn giữa lâm sản phụ và các loại cây độc, hậu quả là những cái chết thương tâm. Cách đây chưa lâu, bà Đinh Thị Hồng, 33 tuổi, làm tạp vụ cho một đơn vị thi công đường ở Kbang, do nhầm giữa cây độc và cây ba kích, khi bà nấu nước để uống, hậu quả bị ngộ độc nặng và thiệt mạng. Trong nỗ lực tìm hiểu về những người bị nạn do đi tìm lâm sản phụ, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương đều không nắm được số liệu cụ thể.    
Không thể phủ nhận lâm sản phụ ở rừng Kbang từ lâu là nguồn thu lớn của người dân sống gần rừng, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên với việc khai thác và quản lý như hiện nay thì nguồn tài nguyên quý này đang dần cạn kiệt. Đã đến lúc các cơ quan chức năng có giải pháp phù hợp để người dân được hưởng lợi và tài nguyên rừng được bảo vệ.
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm