Kinh tế

Huyện Kông Chro tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là một huyện nghèo của tỉnh Gia Lai với điều kiện đất đai kém màu mỡ, song Kông Chro lại có nguồn khoáng sản khá dồi dào, nhất là các mỏ đá bazan. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhằm đảm bảo việc khai thác, sử dụng tài nguyên có hiệu quả và đúng pháp luật.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Trên địa bàn huyện Kông Chro có một số loại khoáng sản như: đá bazan, quặng fluorit, cát, vàng sa khoáng… Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu là khai thác và chế biến đá, tập trung ở xã Kông Yang và thị trấn Kông Chro.

Theo ông Phan Thanh Hải-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kông Chro, việc ban hành Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ Môi trường cùng với những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. “Những năm gần đây, Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ trên lĩnh vực này. Nhờ đó, việc quản lý, khai thác đã dần đi vào ổn định; công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản đã từng bước được thực hiện. Thông qua các hình thức tuyên truyền, nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường ngày càng được nâng cao; đã có sự giám sát, phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm. Đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ việc nào gây mất an ninh trật tự tại khu vực có khoáng sản”-ông Hải cho biết.

 

Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản đã được các doanh nghiệp thực hiện. Ảnh: H.T

Từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Kông Chro đã ban hành 98 văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; đồng thời, thường xuyên tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra. Qua đó, ngành chức năng đã kịp thời phát hiện và xử lý 27 trường hợp vi phạm pháp luật, gồm: 8 vụ khai thác đá bazan, 8 vụ khai thác cát, 10 vụ khai thác vàng sa khoáng và 1 vụ vận chuyển; xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp với số tiền 84 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND huyện xử phạt 2 trường hợp khai thác ngoài diện tích được giao. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, ngành chức năng huyện đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 3 vụ khai thác đá bazan trái phép và 3 vụ khai thác cát trái phép tại các xã Kông Yang, Yang Trung và Chơ Long với tổng số tiền 32 triệu đồng.

Còn nhiều khó khăn

Dù đã có nhiều nỗ lực song quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Kông Chro vẫn gặp phải một số khó khăn, hạn chế.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kông Chro có 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, gồm: Công ty TNHH Đào Kỳ (thôn 2, xã Kông Yang); Công ty TNHH một thành viên Thảo Anh Gia Lai, Công ty TNHH Hiệp Lợi Gia Lai, Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai, Nhà máy Chế biến Đá Viet Stone (thôn 4, xã Kông Yang); Công ty cổ phần Đá Kon Yang (thôn 2, xã Kông Yang); Công ty Hải Lai (tổ dân phố 1, thị trấn Kông Chro); Công ty TNHH Trung Kiên (thôn 9, xã Yang Trung). Trong đó, có 1 công ty đang xin gia hạn giấy phép khai thác và 1 công ty chưa được phép khai thác do đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ liên quan.

Có nhiều nguyên nhân được chính quyền địa phương đưa ra để lý giải cho tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tiếp diễn như: khoáng sản vàng sa khoáng phân bổ trên diện rộng, chủ yếu ở nơi có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn; hoạt động khai thác trái phép thường được các đối tượng tiến hành vào ban đêm và các ngày nghỉ, khai thác ở địa bàn giáp ranh giữa các xã, các huyện lân cận; các đối tượng ngày càng tinh vi và phần lớn là người ngoài tỉnh, thuộc diện nghèo nên việc xử lý, tuyên truyền còn nhiều bất cập.

Vấn đề tạm giữ phương tiện, máy móc, thiết bị vi phạm cũng gặp không ít khó khăn bởi việc vận chuyển tài sản này về nơi tạm giữ tốn nhiều kinh phí, đôi khi còn lớn hơn giá trị tài sản tạm giữ; trong khi đó, pháp luật chưa có quy định ràng buộc đối với phương tiện vi phạm. Mặt khác, nguồn kinh phí để triển khai kiểm tra, chốt giữ còn hạn chế; thời tiết vùng núi thường mưa nhiều… cũng gây khó khăn cho ngành chức năng của huyện, xã trong việc truy quét, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản, môi trường vẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Cán bộ phụ trách lĩnh vực quản lý nhà nước về khoáng sản còn kiêm nhiệm, hạn chế về chuyên môn nên vẫn còn gặp khó trong công tác quản lý…

Trước những khó khăn đó, ông Phan Thanh Hải cho hay: Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ Môi trường; phát huy hơn nữa việc nhân dân giám sát, phản ánh các hành vi vi phạm; huy động và tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, truy quét, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nhằm bảo vệ tốt nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Đồng thời, huyện sẽ có chính sách cũng như trang bị công cụ hỗ trợ, bảo vệ phù hợp đối với công chức quản lý trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

“Tỉnh nên tiến hành công tác hậu kiểm sau khi cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án để nắm bắt tình hình, nếu doanh nghiệp nào không thực hiện đúng cam kết hoặc không chấp hành theo đề án đã lập thì kịp thời uốn nắn, xử lý, thậm chí thu hồi giấy phép khai thác đã cấp”-ông Hải đề nghị.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm