Kinh tế

Huyện Kông Chro: Tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kông Chro là huyện thuần nông, với những cây trồng chủ lực như mía, bắp, mì và lúa. Trong đó, diện tích lúa hàng năm hơn 3.500 ha, nên việc chuyển đổi cơ cấu giống cho phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng, năng suất luôn được huyện quan tâm. Vì vậy huyện đã triển khai nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao trình độ thâm canh cây lúa cho nông dân, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lúa và nhân rộng giống lúa mới trên địa bàn.

Bà con nông dân tham quan mô hình thâm canh cây lúa nước chất lượng cao. Ảnh: L.N
Bà con nông dân tham quan mô hình thâm canh cây lúa nước chất lượng cao. Ảnh: L.N

Trước đây, nông dân thường gieo trồng giống lúa địa phương với thời gian sinh trưởng 6-8 tháng, nhưng năng suất chỉ đạt khoảng 0,8-1 tấn/ha. Để nông dân tin và tích cực chuyển đổi giống lúa mới, UBND huyện chỉ đạo ngành Nông nghiệp tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, giới thiệu và trình diễn các giống lúa mới trên địa bàn… nhằm giúp nông dân thay thế giống lúa địa phương năng suất thấp, thời gian sinh trưởng lâu. Theo đó, Trạm Khuyến nông huyện đã đưa vào trồng trình diễn nhiều giống lúa mới, năng suất cao như: D9V108, Khang Dân 18, Hương Thơm, Hương Cốm, OM 6976… Đây là những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (100-120 ngày), năng suất bình quân khoảng 4-5 tấn/ha. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện toàn huyện đã chuyển đổi được khoảng 60-70% diện tích giống lúa địa phương sang các giống mới năng suất, chất lượng cao. Hiện nay xu hướng sản xuất giống lúa mới đang phát triển mạnh trong nhân dân, tập trung chủ yếu tại các xã như Yang Nam, Yang Trung, Sơ Ró, Chư Krey, Đak Kơ Ning…

Việc thay đổi giống lúa đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương xây dựng cơ cấu giống phù hợp với tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa, cải thiện đời sống nông dân. Ông Nguyễn Quang Quốc-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro cho biết: Chúng tôi xác định nhu cầu của người dân, chọn cây-con giống phù hợp với điều kiện, trình độ sản xuất để triển khai và thường xuyên tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất… Mỗi mô hình, chúng tôi thường triển khai từ 3 đến 5 năm, giúp cho người dân tiếp cận và quen dần với phương thức sản xuất mới. Hiện giống lúa mới đã tiếp cận được với người nông dân và đang được đưa vào trồng đại trà. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai thêm các mô hình trình diễn giống lúa, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chuyển sang giống mới góp phần phát triển kinh tế, đa dạng giống cây trồng, tăng thu nhập.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm