Kinh tế

Huyện Mang Yang: Nghịch lý ở những khu chợ tiền tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Địa điểm Km 139-300 quốc lộ 19 đoạn qua xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang  là điểm đen về tai nạn giao thông, vì những năm gần đây các hộ kinh doanh buôn bán tại khu vực này tự lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để họp chợ.

Từ những bức xúc trên, năm 2011, UBND huyện Mang Yang đã đầu tư xây dựng chợ Đak Djrăng, với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng để di chuyển các hộ kinh doanh vào buôn bán, đồng thời mong muốn xây dựng nơi đây thành trung tâm mua sắm để thu hút người dân ở 5 xã đông sông Ayun và các địa phương lân cận.
 

Những ki ốt bỏ trống đang xuống cấp tại chợ huyện Mang Yang. Ảnh: Lê Anh
Những ki ốt bỏ trống đang xuống cấp tại chợ huyện Mang Yang. Ảnh: Lê Anh

Đến tháng 12-2011, công trình hoàn thành và đưa vào hoạt động. Dù chợ Đak Djrăng được xây dựng khá quy mô nhưng một số hộ không vào chợ kinh doanh mà vẫn tiếp tục buôn bán trên hành lang an toàn giao thông.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng huyện triển khai giải tỏa hành lang an toàn giao thông thì các hộ này lại chuyển qua kinh doanh trên địa giới hành chính xã Kdang (huyện Đak Đoa), vì đây là vùng giáp ranh giữa hai địa phương, khi lực lương chức năng rút lui mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 9-2-2012, UBND huyện Mang Yang đã làm việc với UBND huyện Đak Đoa để thống nhất phối hợp thực hiện không cho các hộ kinh doanh lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Dù phương án đã được đồng thuận, nhưng không biết vì lý do gì, ngày 8-3-2012, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Đak Đoa lại cấp giấy phép kinh doanh cho hộ ông Hoàng Ngọc Tân, địa điểm trùng với nhà máy cán tôn Vạn Hưng Lộc.

Điều đáng nói ở đây là ông Tân không tham gia kinh doanh mà cho các hộ dân khác thuê lại. Chính vì vậy, ngôi chợ tạm này vẫn ngang nhiên tồn tại một cách… “hợp pháp”. Do các hộ kinh doanh tại khu vực này không chịu vào chợ, nên ngôi chợ tiền tỷ này hàng ngày vẫn chịu cảnh đìu hiu khi hơn 20 ki ốt không có người thuê đành bỏ trống, gây lãng phí lớn.

Ông Phan Lê Nguyên- Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Mang Yang cho biết: “Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để buôn bán ở đây đã xảy ra rất lâu, dù huyện Mang Yang đã triển khai nhiều biện pháp, tích cực phối hợp, đề xuất tới các ban ngành liên quan, nhưng chưa thu được kết quả gì…”.

Ngoài vấn đề bất cập trên thì hiện nay nguyên nhân dẫn đến các khu chợ tại huyện Mang Yang vẫn chưa thu hút được các tiểu thương vào buôn bán vì trong phương án của huyện các ki ốt được cho thuê trong vòng 50 năm với giá hơn 70 triệu đồng/ki ốt, nhưng phương án này không được tỉnh phê duyệt mà chỉ thống nhất cho thuê trong vòng 20 năm, vẫn giữ nguyên giá cho thuê.

Chính vì nhận thấy thời gian cho thuê ngắn, nhu cầu mua sắm của người dân ở huyện không cao, nên khó thu hồi vốn và sinh lãi, nên nhiều tiểu thương đến tham khảo rồi lại tặc lưỡi bỏ đi. Không chỉ chợ Đak Djrăng, chợ huyện Mang Yang được đầu tư hàng tỷ đồng vì lý do trên cũng cùng chung số phận, khi 15 ki ốt không có người thuê phải bỏ trống và đang xuống cấp từng ngày.

Từ nghịch lý lãng phí ở những ngôi chợ tiền tỷ đã gây ra nhiều khó khăn cho huyện Mang Yang trong việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách và thu thuế. Tính đến nay, Chi cục Thuế huyện mới thu đạt 47,7% kế hoạch pháp lệnh, trong đó thu tiền sử dụng đất mới chỉ đạt 38,8% kế hoạch; thu thuế, phí, lệ phí các loại chỉ đạt hơn 50% kế hoạch.

Nên chăng, tỉnh cần có những cơ chế mở để tạo điều kiện cho huyện Mang Yang giải quyết những tồn tại gây lãng phí bấy lâu nay, đồng thời cần có sự phối hợp giữa các địa phương, ban ngành liên quan để giải quyết dứt điểm vấn đề này.
 

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm