(GLO)- …Cái rét đắng ngắt nghe càng thêm đậm giữa những cơn mưa cứ liên miên rây xuống một âm điệu ướt át đều nhon nhót. Dưới màu mây đặc xám chợt sáng lên rừng bông mía đang vào vụ chín. Miên man một giang sơn của mía… Mãi cảm thán thầm với những dải đất còi cọc, lơ thơ vài vạt mía cây đóng đét, tôi như lạc vào một xứ sở khác-một xứ sở mà ai đó đã bày ra một bức tranh siêu thực cho người khác ước ao…
“Vua mía” Lê Văn Dũng hướng dẫn công nhân thu hoạch mía. Ảnh: Ngọc Tấn |
Nói đến vùng đất Kông Chro chắc chẳng ai ngại ngùng buông một tiếng “nghèo”. Hôm qua trong câu chuyện phiếm, tôi đã hỏi anh Phan Văn Trung-Chủ tịch UBND huyện: Nếu có ai hỏi Kông Chro nghèo đến thế nào thì anh đưa ra điều gì làm biểu trưng? Anh Trung suy nghĩ một thoáng rồi bảo: Tôi sẽ nói hai điều: đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt… Rồi anh diễn giải: Đất Kông Chro chủ yếu là đồi dốc, pha cát; đào xuống vài mươi phân đã trơ sỏi đá. Đất ấy mà khí hậu 6 tháng nóng như nung, đến điều là cây chịu hạn nhất cũng không trụ nổi. Cả huyện lại chẳng có công trình thủy lợi lớn nào. Không trồng được cây công nghiệp dài ngày, chỉ rau màu với các thứ cây ngắn ngày thì làm sao giàu nổi? Đã thế đồng bào dân tộc thiểu số thì các anh biết đấy: Từ cách quản trị kinh tế gia đình đến phương cách làm ăn đều còn rất lạc hậu. Có xã bây giờ hộ nghèo còn hơn 60%... Điều này thì đã rõ. Ai đến Kông Chro vào những tháng mùa khô thì mới thấy hết sự khắc nghiệt của một vùng đất… Chỉ cái nắng mới sởn lên lúc mới ban mai đã thấy nhốt lên cảm giác bức bối. Có cảm giác dải đất này như một thứ quả. Cái vỏ xanh mỏng manh bao lấy hòn than lửa cứ âm ỉ một sức nóng không bao giờ nguội tắt. Hạt lúa gầy. Ngọn cỏ cũng gầy cả trong mùa xanh sự sống…
Ấy thế nhưng đây có lẽ chưa phải là cái nghèo mang tính biểu trưng riêng có Kông Chro. Ý tôi muốn nói là một cái nghèo không lẫn với ai khác được kia? Anh Trung bảo: Vậy thì tôi chịu. Cái nghèo của huyện này nó trải ra khắp, chẳng biết cô vào đâu? Quả là thế thật. Tôi suy nghĩ một thoáng rồi buột miệng “Cái chợ”. Đất giàu, đất nghèo, cứ nhìn vào chợ là thấy hết… Là trung tâm thương mại của huyện mà xem ra còn thua một cái chợ xã như Ia Sao (huyện Ia Grai) chẳng hạn. Thử nhìn xem hàng hóa địa phương có thứ gì ở cái chợ này? Anh Trung cười “Nếu nói về chuyện này thì để tôi kể thêm: Dạo huyện mới xây chợ, thấy một thời gian dài chẳng ai vào, huyện mới vận động mấy bà hàng quán vào ki ốt bán. Cứ ngồi cho có người chứ chẳng thu lệ phí hay thuế má gì. Vậy mà phải đến hai, ba năm mới có người chịu vào bởi dân đâu có gì mà mua bán… Tôi cũng biết cái chợ phải tu sửa cho nó khang trang lên chút nhưng mà có tiền đâu. Huyện chỉ có mấy doanh nghiệp khai thác khoáng sản lèo tèo, cái chợ và số hàng quán đếm được trên đầu ngón tay. Thu ngân sách địa phương chỉ đáp ứng 10% chi cho cán bộ mà riêng ngành Giáo dục, mỗi năm đã đến cả trăm tỷ đồng rồi…
*
* *
Đã không ít lần tôi dò hỏi bạn bè: Ở Kông Chro có ông nông dân nào mỗi năm làm đến một tỷ đồng không? Ai cũng cố suy nghĩ lần tìm rồi lắc đầu khẳng định: Không có… Thì người lái ô tô con đưa tôi đi thăm xứ sở mía đầy ấn tượng khẳng định anh đã thu lãi tiền tỷ, nhà ở ngay thị trấn chứ đâu xa…
Nói đến cái tên Lê Văn Dũng có lẽ dân thị trấn Kông Chro trước đây đã nhiều người biết. Nhưng biết là biết bởi chuyện khác chứ trong nghề nông thì cái tên “Dũng mía” mới nổi lên gần đây… Thực sự là chỉ trước đây vài giờ nghe nói trồng mía lãi tiền tỉ tôi cứ bán tin bán nghi… Ngành mía đường đang vào thời điểm lao đao. Giá mía cây thu mua tại ruộng là 900.000 đồng/tấn (10 chữ đường). Nếu năng suất đạt 60 tấn/ha như phổ biến ở đây, không cơ giới hóa được khâu làm đất, chăm sóc thì chỉ huề vốn… Vẫn biết lối ra duy nhất là tăng năng suất, giảm chi phí nhưng bí quyết là gì vậy? Chẳng có gì cao xa cả. Dũng chỉ thực hiện cái mà người ta đã nói đến nhiều: Cánh đồng mẫu lớn…
Ảnh: Ngọc Tấn |
Dũng kể: Năm 2009, anh đã bắt tay thực hiện mô hình này. Muốn có “cánh đồng mẫu lớn” đương nhiên phải đủ đất. Anh đứng ra vận động bà con dồn điền. Sau khi được phân tích lợi hại, 10 hộ đã đồng ý góp đất với tổng diện tích 150 ha. Dũng đứng ra làm người điều hành và quản lý. Vậy là bắt đầu một mô hình mới, một cách làm ăn mới… Công việc cam go đầu tiên của Dũng là cải tạo đồng đất-điều kiện tiên quyết cho mục tiêu nâng cao năng suất, hạ giá thành. Khác với cách làm truyền thống của mọi người, trước hết Dũng thuê máy đào xới đất sau đó mới cày chảo lại. Tiếp theo tùy địa hình, anh cho đắp bờ bao để chống xói mòn. Lớp màu không bị rửa trôi, độ màu mỡ của đất tăng nhanh và năng suất mía từ đó cũng không ngừng tăng. Những năm gần đây, năng suất mía của Dũng luôn đạt 130-140 tấn/ha. Chu kỳ trồng mới thường là 5 năm nhưng Dũng có thể kéo dài hơn 6 năm… Cơ giới hóa được toàn bộ khâu làm đất, chăm sóc; năng suất cao, giảm chí phí, lợi nhuận của Lê Văn Dũng đạt 150 triệu đồng/ha mỗi chu kỳ-cao nhất toàn vùng… Cái lợi khác từ mô hình cánh đồng mẫu lớn còn là được nhà máy cho ứng trước công làm đất, giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm… Dũng khẳng định chắc nịch rằng năm nay dù giá mía chỉ đến thế thì 150 ha “cánh đồng mẫu lớn” vẫn cho lãi trên 4 tỷ đồng. Phần anh được chia hơn 1 tỷ đồng…
*
* *
Câu chuyện với “Vua mía” Lê Văn Dũng khiến tôi cứ nghĩ đến cái lẽ đã rất xa xưa rằng “chẳng có đất nào nghèo nếu chí con người không nghèo”. Tất nhiên người có chí bao giờ cũng hiếm. Với đồng bào dân tộc thiểu số vốn mang nặng tập quán sản xuất sơ khai lại càng hiếm hơn. Làm được như Lê Văn Dũng, người Kinh vùng này chưa có người sánh kịp thì đồng bào dân tộc thiểu số chắc là không ai theo nổi. Ông bà ta vẫn có câu “cái khó bó cái khôn” nhưng cũng lại nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chẳng mong như “Vua mía”, chỉ cần làm bằng 1/5 con người này thì cũng dư sức thoát nghèo rồi. Bằng một phần năm thôi, được không? Tôi nghĩ chẳng những không ít người làm được mà có thể còn hơn thế. Chứng cứ là ông Kiệt, người có ruộng mía bên cạnh Dũng. Ông này cũng là người dân tộc thiểu số, lấy vợ người Bahnar. Nhờ Dũng chỉ bày, năng suất mía của ông đã đạt tới 120 tấn/ha… Và còn bao nhiêu ví dụ khác về những người nghèo đi đến vùng đất nghèo này đã thoát nghèo nhờ biết cách làm ăn… Vấn đề với đồng bào địa phương là phải có người trực tiếp đứng ra tổ chức, hướng dẫn và quản lý cho họ nhưng là ai? Một câu hỏi không dễ trả lời…
Ngọc Tấn