TN - Đất & Người

Huyện Phú Thiện: Hướng đến sự phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Về huyện Phú Thiện dịp cuối năm, băng qua một loạt các trục lộ từ nông thôn đến thị trấn, chúng tôi nhận thấy nhà cửa, công sở, đường sá… như được khoác lên một diện mạo mới kiên cố, quy mô và mang xu hướng hiện đại. Tất cả như đang hừng hực khí thế của một miền quê sung túc, trẻ trung đang trên đà vươn lên mạnh mẽ.

Khai thác thế mạnh sản xuất nông nghiệp

 

 Trung tâm hành chính huyện.
Trung tâm hành chính huyện.

Huyện Phú Thiện chiếm hơn một nửa diện tích lúa nước của cả vùng Ayun Hạ (hơn 6.060 ha trong tổng số gần 11.000 ha lúa). Mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội ở đây gần như đều được khởi nguồn và cất cánh nhờ cây lúa. Ngoài ra, vùng nguyên liệu mía hơn 4.000 ha giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Khi dòng nước công trình đại thủy nông Ayun Hạ chảy về, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể tích cực vận động nhân dân đổi mới cách thức làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn. Diện tích cây trồng toàn huyện, nhất là lúa nước hai vụ, mía và bắp lai mở rộng ra hàng năm. Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nông dân. Công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi được chăm lo, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

 

Máy gặt đập liên hợp trên đồng Phú Thiện.
Máy gặt đập liên hợp trên đồng Phú Thiện.

Từ một nền sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc, tập quán canh tác lạc hậu, nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ máy móc cơ giới, đến nay, phương thức sản xuất đã thay đổi về cơ bản với trên 80% công việc từ khâu làm đất đến thu hoạch đã được cơ giới hóa. Nhờ đó, năng suất lúa trung bình đạt trên 6,95 tấn/ha/vụ; mía trên 64 tấn/ha. Lúa Phú Thiện không chỉ phục vụ cho người dân trong huyện mà còn được thương lái vận chuyển đi phục vụ nhu cầu khắp nhiều tỉnh thành.

Ruộng đồng Phú Thiện đã mang lại nhiều điều tốt đẹp, làm thay đổi cuộc sống người dân. Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: Trong năm qua, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp đạt 289,5 tỷ đồng; tổng diện tích gieo trồng 24.143 ha, đạt trên 100% kế hoạch. Tổng đàn gia súc 55.732 con; trong đó, đàn bò là 27.172 con. Lúa, mía, bắp và bò, heo ở Phú Thiện đã định hình vững chắc về năng suất và sản lượng, trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại thu nhập cao cho người dân.

Xây dựng bộ mặt nông thôn-đô thị mới

Phú Thiện bây giờ không chỉ có lúa và mía. Trung tâm huyện lỵ Phú Thiện đang hối hả xây dựng, hàng chục cơ quan, công sở hành chính đang giai đoạn hoàn tất, những con đường dọc, ngang chia ô bàn cờ đã được san ủi, định hình các khu dân cư cho một đô thị mới trong tương lai.

 

 Tu sửa kênh mương nội đồng.
Tu sửa kênh mương nội đồng.

Ông Trương Như Ngọc Bích-Trưởng ban Quản lý các dự án Đầu tư Xây dựng cơ bản huyện Phú Thiện, cho biết: “Hàng chục công trình lớn ở khu trung tâm hành chính huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới khang trang. Tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2014 do huyện quản lý sau khi được điều chỉnh, bổ sung là gần 66,115 tỷ đồng. Huyện đang xây dựng dự án đầu tư nhà máy nước sinh hoạt đáp ứng nhu cầu của người dân thị trấn và các xã lân cận”.

Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp là 36,11 tỷ đồng, đạt 100,39% kế hoạch. Các sản phẩm chủ yếu chia theo ngành gồm có: công nghiệp khai thác và chế biến đạt 20,83 tỷ đồng; công nghiệp sản xuất điện và các sản phẩm công nghiệp khác đạt 15,17 tỷ đồng. Thương mại dịch vụ phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 347,33 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đảm bảo tiến độ. Đến nay, các nguồn vốn phân bổ, nguồn vốn bổ sung năm 2014 các xã đã giải ngân xong. Qua thẩm định, đánh giá ở 9 xã, có xã Ayun Hạ đạt 16/19 tiêu chí, xã Ia Sol đạt 15 tiêu chí, xã Ia Peng đạt 12 tiêu chí, xã Ia Piar và Chrôh Pơnan đạt 10 tiêu chí, xã Ia Hiao và Ia Yeng đạt 9 tiêu chí, xã  Chư A Thai đạt 8 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Khi phát triển kinh tế, đời sống xã hội được nâng lên, bộ mặt nông thôn, đô thị từng bước khởi sắc. Hệ thống trường học được đầu tư từng bước theo hướng tầng hóa tiến tới xây dựng trường chuẩn, đảm bảo các điều kiện cho việc dạy và học. Hệ thống y tế từ xã đến huyện được củng cố, kiện toàn, dần đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh của nhân dân. Đời sống an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững ổn định. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 15,52%.

Ngày Xuân, đi trên những con đường liên thôn, liên xã đã thấy bộ mặt của một vùng quê trù phú. Trên cánh đồng lúa mơn mởn thì con gái vang lên rộn rã tiếng nói cười. Gặp chúng tôi, nhiều lão nông ở đây không giấu được vui mừng về cuộc sống đang ngày thêm no ấm nhờ vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên này.

Gia An

Có thể bạn quan tâm