Sức khỏe

Hy hữu: Bị cá rô chui tọt vào họng trong lúc đi mò cá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lúc đi mò cá, người đàn ông ở Kiên Giang bị cá rô chui tọt vào họng phải nhập viện cấp cứu.

Ngày 21.6, Trung tâm Y tế H.Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết các bác sĩ tại đây vừa nội soi gắp dị vật là con cá rô chui sâu vào phần hạ họng của bệnh nhân.

Trước đó, ông T. (55 tuổi, ngụ Kiên Giang) nhập viện cấp cứu trong tình trạng chảy nhiều máu ở họng.

Bác sĩ gắp dị vật là con cá rô ra khỏi họng bệnh nhân. ẢNH TRUNG TÂM Y TẾ H.GIỒNG RIỀNG CUNG CẤP

Bác sĩ gắp dị vật là con cá rô ra khỏi họng bệnh nhân. ẢNH TRUNG TÂM Y TẾ H.GIỒNG RIỀNG CUNG CẤP

Gia đình cho biết, trong lúc mò cá dính được một con cá rô, ông T. vô tình há miệng thì bất ngờ cá nhảy tuột khỏi tay, rơi vào miệng rồi chui tọt xuống họng.

Người nhà tìm mọi cách lấy ra nhưng do cá có mang và vây cứng móc vào phần họng nên bị kẹt lại đó, khiến phần họng của bệnh nhân bị tổn thương nặng hơn, chảy máu nhiều.

Các bác sĩ nhanh chóng xem xét tình hình dị vật, mức độ tổn thương và vị trí để có cách xử trí đúng. Sau đó các bác sĩ gắp con cá ra khỏi họng và nội soi theo dõi vết thương cho bệnh nhân.

Dị vật là con cá rô gây tổn thương cổ họng nặng bệnh nhân. ẢNH TRUNG TÂM Y TẾ H.GIỒNG RIỀNG CUNG CẤP

Dị vật là con cá rô gây tổn thương cổ họng nặng bệnh nhân. ẢNH TRUNG TÂM Y TẾ H.GIỒNG RIỀNG CUNG CẤP

Sau khi gắp con cá ra, do cổ họng tổn thương nhiều, bệnh nhân đau đớn không nuốt được. Bác sĩ cho truyền dịch, chích thuốc giảm đau, cầm máu, để phục hồi dần. Sau đó mới có thể ăn nuốt thức ăn mềm. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục.

Bác sĩ CK1 Nguyễn Hoàng Quý, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Y tế H.Giồng Riềng, cho biết những bệnh nhân mắc dị vật làm tổn thương họng (như trường hợp ông T. bị cá rô chui vào họng) sau khi xuất viện cần ăn thức ăn mềm, tránh thực phẩm nóng để vết thương mau hồi phục.

Có thể bạn quan tâm