Sức khỏe

Tin tức

Hy hữu: Cứu thai nhi sa chân khỏi âm hộ người mẹ, giúp mẹ tròn con vuông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhận được cuộc gọi từ người dân thông báo một sản phụ đang sinh rớt tại địa bàn xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP.HCM), ê kíp trực Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM gồm 1 y sĩ, 1 điều dưỡng và 1 lái xe đã nhanh chóng đến hiện trường.

Khi ê kíp đến nơi, sản phụ V.T.M.D (19 tuổi) đang trong tình trạng đau bụng dữ dội hơn 30 phút, ối vỡ, mang thai con so 36 tuần. Qua thăm khám, phát hiện một bàn chân thai nhi đã đưa ra ngoài âm hộ, nhận định tình huống sanh khó và khẩn cấp, y sĩ Hồ Khuê Tú, điều dưỡng Lương Thị Phương Thảo tiến hành đỡ sanh ngay lập tức để tránh tình trạng ngạt của thai nhi.

Sau 20 phút với sự đồng hành của ê kíp cấp cứu, sản phụ “vượt cạn” an toàn, tuy nhiên em bé tím tái, không khóc và không cử động, ê kíp tiến hành hồi sức sơ sinh cho bé. May mắn sau vài phút ép tim, bé hồng hào, khóc lớn và tự thở. Sau khi chắc chắn tình trạng bé đã ổn, bé được lau khô, ủ ấm, cho tiếp xúc da kề da với mẹ. Sản phụ được hướng dẫn xoa đáy tử cung và được tiêm thuốc co hồi tử cung, đảm bảo đường thở, đường truyền và chuyển viện an toàn đến Bệnh viện Hùng Vương.

Y sĩ Tú, kíp trưởng của ê kíp cấp cứu, người thực hiện thành công ca đỡ sinh ngôi ngược và hồi sức sau sinh cho thai nhi chia sẻ: "Trong quá trình đỡ sanh, tôi cũng rất căng thẳng, vì nếu thao tác không đúng có thể gây tai biến cho bé. Sau khi đỡ sinh thành công, chưa kịp thở phào thì thấy bé tím tái và không cử động, tôi lại một phen thót tim. Nhưng rất may mắn vì sau khi được ấn ngực, bé khóc lớn và hồng hào trở lại, giây phút đó tôi cũng vỡ òa cùng gia đình”.

Em bé được da kề da với mẹ trên đường đến bệnh viện sau khi hồi sức sơ sinh thành công. Ảnh Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM

Em bé được da kề da với mẹ trên đường đến bệnh viện sau khi hồi sức sơ sinh thành công. Ảnh Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM

Theo y sĩ Tú, thai ngôi mông hay ngôi ngược là thai có cực đầu ở đáy tử cung, cực mông trình diện trước eo trên của khung chậu người mẹ. Tỷ lệ ngôi ngược khá thấp (chiếm từ 1-3%) trong các ca sinh đủ tháng, nhưng có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé nếu không được can thiệp kịp thời và đúng cách.

Sản phụ sinh ngôi mông có các nguy cơ như tỷ lệ chết chu sản cao gấp 3 lần so với ngôi đầu, thai nhi thiếu oxy; chấn thương cho thai như tổn thương mạch máu, thần kinh, gãy xương, trật khớp; tổn thương đường sinh dục của người mẹ. Biến chứng đáng sợ nhất là kẹt đầu hậu gây tử vong thai, mẹ có thể bị vỡ tử cung nguy cơ chảy máu và tử vong.

Vì vậy, sản phụ cần phải khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi được chẩn đoán ngôi mông, sản phụ nên được theo dõi ở các cơ sở có đủ điều kiện trang thiết bị và chuyên môn.

Có thể bạn quan tâm