Những ngày qua, dư luận xã hội khá quan tâm về quy định cha mẹ lấy tiền lì xì của con bị phạt đến 1 triệu đồng.
Nếu là sự thật, e rằng khó bậc cha mẹ nào thoát phạt.
Căn nguyên của vụ việc xuất phát từ Nghị định 167/2013/NĐ-CP, quy định chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tài sản riêng này được quy định cụ thể tại khoản 1, điều 75, Luật Hôn nhân - Gia đình 2014 về quyền có tài sản riêng của con: "Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác...".
Vậy là khá rõ, lấy tiền lì xì của con (tài sản riêng) hiển nhiên là vi phạm, còn lấy như thế nào, lấy để làm gì, mục đích phải trái ra sao... là cả một vấn đề lớn liên quan đến cả quan hệ huyết thống, văn hóa gia đình và cả cách tổ chức tương lai cho con cái.
Trước hết, đến tuổi nào con cái có thể quản lý được tài sản riêng trong khi vẫn sống cùng gia đình. Với văn hóa Á Đông, nhiều khi con cái có gia đình riêng rồi vẫn sống chung cùng cha mẹ. Còn độ tuổi đi học hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào chu cấp của gia đình nên khi bố mẹ quản lý tài sản riêng này (bao gồm cả tiền lì xì) thì làm sao quy trách nhiệm là chiếm đoạt.
Trong quan hệ lớn lao này, con cái khi qua 18 tuổi vẫn đang tiêu xài tiền (là tài sản riêng của cha mẹ). Luật có đấy nhưng ai đủ nhẫn tâm tố cáo cha mẹ mình và ai đủ nhẫn tâm xử phạt? Mối quan hệ cha mẹ - con cái ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng rất đặc thù. Hầu như tương lai của con cái do cha mẹ gầy dựng: tuổi nhỏ cha mẹ nuôi, lớn lên ăn học cha mẹ chu cấp; lập gia đình cha mẹ lo toan sự nghiệp... Từ đây, cách tổ chức tài chính gia đình cũng rất riêng: tài sản của các thành viên gia đình thường là tài sản chung, kể cả của cha mẹ. Mục đích lớn nhất là tập trung được nguồn lực lo cho con cái và đây thường là mục đích tối thượng.
Dồn tất cả tài lực lo cho con đầu, rồi kế tiếp lần lượt từng đứa con một cho đến cuối cùng. Nên khi con cái yên bề gia thất thì cha mẹ đã tuổi già và tài sản cũng chẳng còn gì nhiều. Trong bối cảnh này, ai cũng hiểu tài sản của con cái chính là lòng yêu thương biển trời của cha mẹ chứ đâu còn tính được ra tiền.
Dẫu biết khi xây dựng luật, các nhà làm luật muốn đặt nền tảng rạch ròi cho mối quan hệ tài sản trong gia đình để tránh những xung đột có thể xảy ra. Nó cũng cần thiết trong cuộc sống hiện đại về quyền tự chủ tài sản của cá nhân, dù còn nhỏ tuổi. Nhưng khi chi tiết hóa các quy định, nó đã trở nên khó khăn và xa rời thực tế. Ở góc cạnh khác nó còn làm khô khan mối quan hệ thiêng liêng, duy nhất của con người: cha mẹ - con cái.
Xa quê, con cái dù tóc đã bạc vẫn luôn muốn về quây quần bên cha mẹ. Dù vương tướng gì lúc nản lòng cũng muốn được rơi nước mắt trên đôi vai gầy guộc của đấng sinh thành. Hy sinh không hết, con cái có gì để chiếm đoạt. Nghe mà xót!
Theo Gia Khang (NLĐO)