Kinh tế

Ì ạch xây dựng đề án khuyến nông ở An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chị Trần Thị Thái-tổ 5, phường An Tân, An Khê chăm sóc hoa được trồng bằng phương pháp cấy mô. Ảnh: L.N
Chị Trần Thị Thái-tổ 5, phường An Tân, An Khê chăm sóc hoa được trồng bằng phương pháp cấy mô. Ảnh: L.N
Vài năm gần đây việc thực hiện mô hình khuyến nông trên địa bàn thị xã An Khê (Gia Lai) chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và hiệu quả chưa cao. Từ những mô hình không mới, sự chọn lọc, nghiên cứu chưa kỹ nên sau khi lập đề án không được cơ quan chuyên môn phê duyệt phần nào làm cho mô hình khuyến nông trên địa bàn thị xã An Khê “nghèo nàn”.

Ông Mang Viên Tý- Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết: Trong những năm qua việc nghiên cứu xây dựng đề án và triển khai các mô hình khuyến nông được giao cho Trạm Khuyến nông chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Song hàng năm cũng chỉ thực hiện được một vài mô hình như trong năm 2010 thực hiện mô hình sản xuất lúa nước tại làng Pnang (xã Tú An); mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính trong ao (xã Thành An); tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân. Đặc biệt, đến thời điểm này sắp kết thúc gieo trồng vụ mùa 2011 nhưng Trạm Khuyến nông thị xã An Khê vẫn chưa thực hiện được mô hình khuyến nông nào, mọi đề án mô hình vẫn chỉ “nằm trên giấy”. Tuy nhiên, khắc phục những khó khăn đó, từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ của năm 2010, 2011, Phòng Kinh tế thị xã An Khê cũng đã triển khai thực hiện đề án chuyển giao khoa học công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất giống lúa xác nhận ĐV108 và CH207 tại xã Cửu An.

Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất lúa đạt bình quân 6,5 tấn/ha, thời gian sinh trưởng ít hơn các giống lúa khác từ 10 đến 15 ngày. Mô hình áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ phục vụ phát triển sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao. Hay trước đó Trạm Khuyến nông An Khê thực hiện mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính trong ao (năm 2010) phần nào giúp người dân khai thác được tiềm năng, lợi thế nuôi trồng thủy sản…

Nhận định vấn đề trên, ông Lê Thanh Tâm- Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê nói rõ: Thị xã luôn tạo điều kiện để các cơ quan chuyên môn triển khai các đề án, mô hình khuyến nông, nhưng các đề án, mô hình phải làm sao dễ thực hiện, có tính khả thi và mang lại hiệu quả kinh tế thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển. Vì thế, những năm qua, việc các phòng ban chuyên môn trình đề án, mô hình khuyến nông lên đều không thể hiện tính đột phá cao nên đã không được phê duyệt. Trong cơ cấu kinh tế của thị xã hiện nay, ngành nông-lâm nghiệp xếp vị trí thứ 3 sau công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, đòi hỏi cơ quan chuyên môn khi xây dựng đề án, mô hình khuyến nông cần đầu tư nghiên cứu, tìm tòi đưa ra các mô hình mới, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng địa phương, dễ thực hiện. Cũng như những năm trước, năm nay UBND thị xã An Khê chỉ phê duyệt cho thực hiện mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn thị xã. Đây được xem là mô hình mới, dễ thực hiện và có khả năng nhân rộng cao.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm