(GLO)- Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân, Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) trở thành xã đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.
Nông dân xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) chăm sóc vườn cà phê tái canh (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đức Thụy |
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Rơ Châm Phiê-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom luôn nhắc lại những con số đáng tự hào về sự vươn lên kỳ diệu của mảnh đất này. Theo ông Phiê: “Để xây dựng thành công nông thôn mới, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, người dân trong xã đã đóng góp hơn 3,5 tỷ đồng, hiến hàng trăm mét vuông đất và hàng ngàn ngày công xây dựng các công trình phục vụ dân sinh”. Ông Phiê tiếp tục viện dẫn: “Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7,12 triệu đồng thì đến nay đã tăng lên 45 triệu đồng. Đối với một xã biên giới thì đây quả thực là một sự bứt phá ngoạn mục”.
Khi đã xây dựng thành công nông thôn mới thì cán bộ và người dân tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, đặc biệt là xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Già làng Siu Hloan (làng Mook Trêl) dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông thẳng tắp, hai bên là những ngôi nhà xây dựng khang trang. “Mook Trêl được xã chọn để xây dựng làng nông thôn mới, huyện hỗ trợ 200 triệu đồng. Để thực hiện được chủ trương đó, làng đã tổ chức họp dân lấy ý, người dân đã chọn 9 hạng mục để ưu tiên xây dựng. Cùng với đó, dân làng cũng lo di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở, xây dựng cổng ngõ, con đường hoa, hàng rào xanh... Xây dựng nông thôn mới là để làng đẹp hơn, sạch hơn, trẻ em có sân đá bóng, có nhà sinh hoạt cộng đồng nên ai cũng hăng hái tham gia. Nhờ đó, đầu năm 2021, làng đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới”-ông Hloan cho biết. Từ điểm khởi đầu ở làng Mook Trêl, phong trào xây dựng làng nông thôn mới đã được phát động rộng rãi trong toàn xã. Đến nay, làng Ia Mút cũng hoàn thành mục tiêu này.
Một góc xã Ia Dom (huyện Đức Cơ). Ảnh: Thiên Thanh |
Trao đổi với P.V, ông Hồ Đình Kỳ-Bí thư Đảng ủy xã-cho hay: Xã xác định xây dựng nông thôn mới là có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Để nâng cao đời sống người dân, Đảng ủy xã chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị cao như: cà phê, cao su, điều… Đồng thời, vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xen canh các loại cây trồng, cho thu nhập ổn định. Năm 2021, tổng diện tích cây trồng là 2.538 ha, tăng 523 ha so với năm 2010, đặc biệt, diện tích lúa rẫy giảm nhanh từ 135 ha năm 2010 xuống còn 67 ha năm 2021. Cùng với đó, cây công nghiệp dài ngày phát triển nhanh và hình thành vùng cây hàng hóa với diện tích hơn 1.700 ha, trong đó có 467,5 ha cao su tiểu điền, 367,8 ha cà phê và 671 ha điều. Đây không chỉ là nguồn thu ổn định của người dân mà còn là minh chứng cho quyết tâm vượt qua đói nghèo của tập thể cán bộ và người dân trong xã. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,26%.
THIÊN THANH