Kinh tế

Ia Grai: Điều được giá, mất mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá thu mua hạt điều tăng cao đối nghịch với năng suất và sản lượng thu hoạch của nhà vườn giảm mạnh khiến niềm vui của người trồng điều ở Ia Grai niên vụ này vơi bớt nhiều phần. Bài toán “thay máu” cho cây điều hiện cũng được ngành chức năng địa phương đặt ra, nhằm hướng tới nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất loại cây trồng này.

Giá cao, năng suất giảm

Gia đình ông Trần Tân (thôn 2, xã Ia Tôr, huyện Ia Grai) trồng hơn 1 ha điều từ năm 2007 đến nay. Trung bình mỗi vụ, nếu thời tiết thuận, vợ chồng ông thu chừng 1 tấn điều hạt và ngược lại, sẽ chỉ 7-8 tạ nếu nghịch trời. “Năm trước nhuận nên điều được thu ngay từ trước Tết. Giá điều đầu vụ lên đến 26-28 ngàn đồng/kg, nhà vườn gom tới đâu thương lái đến tận nhà mua tới đó. Nhiều năm rồi mới thấy hạt điều có giá cao như vậy”- ông Tân, phấn khởi nói.

 

Nhiều diện tích điều thực sinh và già cỗi cần được thay thế bằng giống mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Lê Hòa
Nhiều diện tích điều thực sinh và già cỗi cần được thay thế bằng giống mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Lê Hòa

Tuy nhiên, theo ông Tân, giá điều có cao nhưng năng suất lại giảm khá mạnh. “Tui ước tính giảm khoảng 20% so với niên vụ trước, do thời điểm cây điều trổ hoa, đậu trái trời có đợt lạnh, sương muối khiến quả non và hoa điều hư hại, khô đen cả chùm”-ông Tân nói thêm. Hiện tại đang là thời kỳ cao điểm của mùa thu hoạch điều, mỗi ngày vợ chồng ông thu chừng 50-60 kg. Giá bán mấy ngày nay giảm về mức 24 ngàn đồng/kg,  hai vợ chồng ông cũng kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống. “1 ha điều tính sơ cũng có được hơn 20 triệu đồng, vậy là khá rồi đó. Tại nhà tôi trồng giống điều “sẻ” (điều thực sinh-PV), cộng với thời tiết không thuận nên năng suất thấp”- ông Tân phấn khởi nói.

Khá hơn trường hợp nhà ông Tân, hộ chị Linh, ở thôn 3, xã Ia Tôr nhờ trồng bằng giống điều cao sản nên năng suất vượt trội và giá cả được thương lái thu mua cao hơn chút đỉnh. “Từ mùng 4 Tết tới giờ gia đình tôi cũng thu ước chừng 7-8 tấn điều hạt. So với năm ngoái năng suất có giảm chút ít nhưng bù lại, giá hạt điều thu mua cao hơn gần gấp đôi năm ngoái nên khá mừng”-chị Linh cho biết.

Cùng trồng bằng giống điều cao sản, hộ chị Đỗ Thị Ngọc Lan (thôn 2, xã Ia Tôr) cũng thu được trên 1,5 tấn hạt điều gần 1 ha từ đầu vụ đến giờ. “Tôi trồng từ năm 2005, trung bình mỗi ngày nhặt lai rai cũng được 50-60 kg hạt. Giá mua như vậy coi cũng ổn, có thêm đồng ra đồng vào tiêu sau Tết”-chị Lan nói.

 

Cần “thay máu” cho cây điều

Ia Grai là một trong những huyện có diện tích điều lớn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh. Với đặc thù rất ít tốn chi phí đầu tư trồng và chăm sóc, cây điều tỏ ra có ưu thế hơn so với những loại cây công nghiệp khác, nhất là trong điều kiện nhiều hộ dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế trong kỹ năng canh tác, sản xuất. Nhờ không phải đầu tư nhiều công và vốn trong việc chăm sóc, lại không phải phụ thuộc nguồn nước tưới nên cây điều vẫn là cây trồng chủ lực tại Ia Grai, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo thống kê, toàn huyện Ia Grai hiện có 5.149 ha điều, phân bố chủ yếu tại các xã thuộc địa bàn tuyến biên giới: Ia Tôr (1.300 ha), Ia O (957 ha), Ia Chía (714 ha), Ia Krái (501 ha)… Trong số đó có nhiều diện tích đã già cỗi, cho năng suất và chất lượng hạt kém, cần được thay thế trồng mới.

Ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, đánh giá: “Ước tính năng suất điều niên vụ này trên địa bàn huyện chỉ ở mức tương đương và thấp hơn một chút so với mọi năm bởi một số khu vực có nhiều diện tích điều ở khu vực cánh Tây huyện bị nhiễm sương muối. Tuy nhiên, mức giá cao như hiện nay thì người trồng điều vẫn đón một mùa thắng lợi”.

 

Bà Lan đang thu hoạch điều. Ảnh: Lê Hòa
Bà Lan đang thu hoạch điều. Ảnh: Lê Hòa

“Nếu so sánh, điều cao sản sẽ cao hơn khoảng 30% về năng suất và hiệu quả kinh tế đem lại so với các giống điều thực sinh do người dân tự ươm trồng. Bởi vậy, từ năm 2005 đến nay, chúng tôi đã tư vấn, động viên nhân dân chuyển qua trồng loại cây này. Đồng thời, ở những vùng có điều kiện thuận lợi về nguồn nước tưới, chúng tôi cũng khuyến khích bà con chuyển đổi qua canh tác các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như: cà phê, cao su, hồ tiêu hay các loại cây trồng có giá trị khác”- ông Hưng, nhấn mạnh thêm.

Nhiều người trồng điều cũng ý thức được điều này và đang có những định hướng thay đổi tích cực trong sản xuất. “Cây điều cao sản chỉ cần trồng năm thứ hai đã cho thu bói, trong khi cây điều “sẻ” phải cần tới 3 năm. Năng suất giữa hai loại này cũng chênh nhau khá lớn. Vậy nên tôi dự tính mùa mưa tới sẽ thay thế khoảng 20% diện tích điều “sẻ” bằng điều cao sản và dần thay thế trong các năm tiếp theo”- ông Trần Tân nói.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm